Bờ vai người thầy thuốc
Người ta thường ví von bờ vai của con người với tinh thần trách nhiệm. Thầy thuốc có trách nhiệm là người tự giác gánh trên vai sứ mạng cứu chữa bệnh tật cho con người. Khi người ta rơi vào nỗi lo lắng, tuyệt vọng vì bệnh tật, thì không có gì quý giá cho bằng ngay lúc ấy có một bờ vai để người bệnh nương tựa vào, giúp họ vượt qua cơn hiểm nghèo. Bờ vai ấy vừa có kiến thức sâu rộng để chẩn đoán và điều trị, vừa có tình thương yêu, thấu cảm được với người bệnh để làm điểm tựa vững chắc cho người bệnh thoát khỏi bệnh tật.
Muốn làm bờ vai cho ai đó dựa vào, người thầy thuốc phải có một số điều kiện nhất định. Không phải ai cũng có bờ vai vững chải để cho người khác nương tựa. Trước tiên người thầy thuốc phải có trái tim nhân hậu, biết yêu thương. Lòng yêu thương người bệnh là vô điều kiện, không phải là sự thương hại, mà sự yêu thương ấy xuất phát từ trái tim chân thành, biết chia sẻ, cảm thông. Đó cũng là cách tạo niềm tin cho người bệnh.
Một cô gái 17 tuổi có thai ngoài ý muốn. Sau khi siêu âm xác định chẩn đoán, bác sĩ ghi lại trên tờ kết quả. Em ngồi bật dậy nắm lấy tay bác sĩ: “Xin bác sĩ đừng ghi em có thai, ba em sẽ giết em chết!”. Bác sĩ ngập ngừng quay sang em, ông biết đây là một chuyện hệ trọng của cuộc đời em. Gia đình em sẽ bị sốc nặng khi biết tin này. Nhìn em mà ông thương đứt ruột. Em còn quá nhỏ để làm mẹ, quá nhỏ để vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã này.
Dù bác sĩ biết đây là lỗi của em, nhưng không thể không giúp. Ông nói với em: “Chuyện đã lỡ rồi, trước sau gì cũng phải có cách giải quyết em à. Khuyên em nên báo cho mẹ em biết, vì người mẹ nào cũng thương con, không người mẹ nào đành lòng bỏ con khi con gặp điều không may. Con hãy gọi mẹ vào đây để bác sĩ nói chuyện nhe!”. Ba mẹ em sững sờ khi biết tin con gái có thai ngoài ý muốn. Bác sĩ ôn tồn nói với mẹ em:
“...Chị động viên tinh thần cháu để cháu cứng cỏi vượt qua nghịch cảnh, đừng làm điều gì dại dột. Nếu được, hãy cho cháu nghỉ học một thời gian, sanh xong rồi học lại. Có thể liên hệ nhà trai để cùng chia sẻ trách nhiệm tương lai cho hai cháu. Riêng tôi sẽ giúp chị theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho cả hai mẹ con của cháu!…”.
Hai là, người thầy thuốc phải hết sức khiêm tốn, bỏ hết cái tôi tự mãn của mình thì người bệnh mới dám… tin tưởng dựa vào vai mình. Trong thực tế, tôi thấy có một ít thầy thuốc mắc bệnh tự cao, dễ tự ái khi người bệnh nói những câu đụng chạm đến nghề nghiệp.
Chẳng hạn như: “Bác sĩ ơi, con em bị viêm phế quản, bác sĩ làm ơn cho con em uống thuốc loại này, loại này… mới hết”. Bác sĩ tự ái nạt ngang: “Tôi là bác sĩ hay chị là bác sĩ, chị giỏi quá thì ở nhà điều trị cho con chị đi, tới đây làm gì?”. Bà mẹ im lặng ra về, cầm toa thuốc trên tay mà không dám mua cho con mình uống, vì bác sĩ này không tạo được niềm tin trong lòng chị.
Ba là, người thầy thuốc phải đặt mình vào trường hợp của người bệnh để có thể thấu cảm được với người bệnh. Người bệnh có nỗi khổ và sự lo lắng riêng, vừa lo về bệnh tật, vừa lo về hoàn cảnh của mình khi bị mắc bệnh, không người giống người nào. Một cháu 6 tuổi bị bệnh sốt xuất huyết, cần phải truyền dịch, nhưng cô y tá đến chích thì cháu nhất định không cho, la hét, vùng vẫy.
Bác sĩ tiến đến nói với cô y tá để ông giúp cho. Ông đến xoa đầu cháu hỏi: “Con sợ chích phải không!? Ai cũng sợ chích cả, vì chích sẽ bị đau. Bác sĩ cũng sợ chích giống như con vậy. Con thích làm siêu nhân phải không? Siêu nhân phải dũng cảm, không sợ đau. Nào, bây giờ con và bác sĩ cùng làm siêu nhân nhé!”.
Nói xong, ông bác sĩ gồng tay lên và kêu cô y tá lại làm bộ chích cho ông, rồi quay sang chích cho cháu. Cháu cũng bắt chước gồng tay, lấy can đảm để cô y tá chích thuốc. Rõ ràng khi đặt mình vào hoàn cảnh của bé, người thầy thuốc cũng cảm thấy đau, nên thao tác nhẹ nhàng, từ tốn và nhất là trấn an được tinh thần của cháu để cháu hợp tác với mình.
Cần lắm những bờ vai vững chắc của người thầy thuốc làm chỗ nương tựa cho người bệnh và thân nhân người bệnh với tất cả sự yêu thương và chia sẻ.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC