Đi qua miền đất “khát”
Trời tháng ba, nắng như đổ lửa. Trên các cánh đồng lúa trơ gốc rạ, đất khô nứt nẻ. Nước dưới kinh trục xuống thấp, nước xanh lè. Khó khăn về nước sản xuất cho cây lúa vừa mới đi qua, người dân xứ Gò tiếp tục đối mặt với cơn “khát” nước sinh hoạt.
THÁNG BA CÒN CHẮT CHIU
Chúng tôi về Gò Công Đông trong một ngày cuối tháng 3. Nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi vùng sâu, vùng xa của huyện biển đã và đang cạn dần, chỉ còn lại ao tù, nước kinh ô nhiễm nặng. Chị Dương Thị Ngọc Ny, cán bộ xã Tân Tây, than: “Nhà của tôi ở cách cơ quan vài cây số. Ao nhà đã cạn nước cách nay hơn 1 tháng rồi. Kinh gần nhà cũng cạn. Mỗi ngày đi làm, vợ chồng tôi phải mang theo 2 can nhựa vô cơ quan lấy nước về xài”.
Ông Cao Văn Hai, ấp Kinh Nhiếm (Phú Thạnh, Tân Phú Đông) chở nước từ ao làng bỏ hoang ở xã Tân Phú về tắm rửa, giặt giũ và cho vật nuôi uống. |
Đi qua các cánh đồng ngai ngái mùi rạ khô, trong cái nắng như “cháy da, cháy thịt”, dưới những tán cây cằn cỗi vì thiếu nước, có ai không cảm nhận được cuộc sống cơ cực của người dân nơi đây. Mỗi mùa khô đến, lo “khát” là nỗi ám ảnh khôn nguôi của những người dân sống rải rác vùng ven biển, những nơi mà nguồn nước máy chưa đến được. Mọi sinh hoạt của người lớn, trẻ con trông chờ vào nguồn nước giếng đào, ao và kinh. Và tất nhiên khi khô hạn kéo dài, nước trong các ao, kinh cũng không còn trong và sạch như trước.
“Nước kinh đã nhiễm phèn rất nặng cộng thêm thuốc trừ sâu, phân, các chất thải khác vứt xuống nên rất ô nhiễm và độc hại. Dù biết như thế nhưng ai cũng phải lấy lên xài. Không biết có phải do nguồn nước ô nhiễm hay không mà đứa con gái của tôi mấy ngày nay nổi ghẻ và ngứa quá chừng”- ông Hồ Trường Nhân, ngụ ấp 6, than thở.
Chúng tôi đi tiếp về ấp 3, một trong những ấp khó khăn nhất về nước sinh hoạt của xã Tân Tây. Khi thấy có người dừng xe trước nhà và hỏi thăm về tình hình nước sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Bạc buông câu: “Năm nào cũng vậy chứ đâu chỉ có năm nay. Ráng chịu đựng thôi, chứ còn biết làm gì bây giờ”.
Nhà bà Bạc có 5 nhân khẩu, mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ đều từ ao nước ở sau nhà. Trước đó, gia đình bà có đào một cái giếng nhưng do nước giếng lúc mặn, lúc ngọt nên chỉ khi nào khó khăn lắm mới dùng đến. “Mùa khô ở đây ai cũng vậy, biết than ai. Không biết bao giờ mới hết cảnh này”- bà Bạc nói như than thở.
Tìm hiểu thêm tình hình nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã Tân Tây, chúng tôi được anh Trần Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có đến 59% hộ dân chưa kéo nước máy về nhà. Giải quyết nước cho những hộ dân này, đơn vị cấp nước đã mở 10 vòi nước công cộng cho người dân đến điểm gần nhất lấy về xài. Thế nhưng theo anh Lâm, hiện nay nước máy đã bị hơi “cứng”. Chưa biết tình hình nước cấp thời gian tới sẽ ra sao.
“Hiện nay, đường ống dẫn nước BOO kéo xuống xã Tân Phước đang triển khai thi công. Đường ống này đi ngang qua địa bàn xã có thể nối với hệ thống cấp nước của xã. Khi đó, hy vọng tình hình sẽ khá hơn”- anh Lâm hy vọng.
Gò Công Đông hiện có khoảng 47% người dân sử dụng nước máy. Tỉnh đã cho mở 57 vòi nước công cộng để những hộ dân chưa vào nước máy đến lấy về sử dụng và kéo thêm 3 tuyến ống dẫn nước để tạo điều kiện cho các hộ dân vào nước máy. “Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trước dự báo tình hình sắp tới sẽ rất khó khăn, các xã đã đề nghị mở thêm trên 10 vòi nước công cộng nữa”- ông Võ Văn Hoàng (Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông) cho biết. |
Chúng tôi đi tiếp về các ấp Xóm Mới, Giá Trên, Giá Dưới của xã Kiểng Phước và một số khu vực xã Tân Phước. Hình ảnh người dân phải thuê xe chở nước về xài với giá hàng chục ngàn đồng một mét khối nước của mùa khô năm nào vẫn chưa qua đi.
Tôi còn nhớ mùa khô năm 2011, tại ngã tư Kiểng Phước, lãnh đạo tỉnh và huyện đã đi khảo sát và lên kế hoạch kéo tuyến ống nước vào khu vực này. Thế nhưng, đến mùa khô năm nay, người dân vẫn tất tả lo nước.
Anh Đoàn Công Trường, ấp Xóm Mới, xã Kiểng Phước bức xúc: “Tôi nghe nói chủ trương kéo ống nước từ ngã tư Kiểng Phước vào khu vực phía trong này đã có lâu rồi nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đâu. Hàng ngày, người dân phải thuê xe ra ngã tư Kiểng Phước chở nước về xài. Mà giá thuê đâu phải rẻ”.
THÁNG 4 CÒN CĂNG THẲNG HƠN
Nhìn những chuyến phà chòng chành theo con sóng, ít ai nghĩ rằng, phía bên kia dòng sông Cửa Tiểu thơ mộng và xanh trong kia - huyện Tân Phú Đông - các tuyến kinh nội đồng đã trơ đáy; cả những tuyến kinh trục, nước cũng đã chuyển màu từ lâu và đang cạn dần. Nhiều tháng qua, người dân cù lao phải “oằn mình” chống chọi với tình trạng thiếu nước ngọt.
Căn nhà lọt thỏm giữa những cánh đồng xác xơ và trơ trọi, không có lu, không có bể chứa nước ngọt, gia đình chị Nguyễn Thị Biết, ấp Lý Quàn 1, xã Phú Đông, đào một khu đất cạnh nhà để lót ni lông trữ nước, đưa 2 đứa con thường xuyên “tản cư” về nội, ngoại. Ao “dã chiến” này cũng chẳng giữ nước được bao lâu, chị tiếp tục kéo ống bơm nước ngoài kinh về trữ trong ao.
Rồi ao lại hết nước, chị kéo ống ra tận hộ có nước máy để mua về xài. Và giờ chị càng lo hơn khi nghe tin nguồn nước máy cũng sắp hết. “Nếu nguồn nước này hết, không biết từ đây đến khi mưa xuống, gia đình tôi lấy nước đâu để xài”- chị Biết lo lắng.
Nguồn nước sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Bạc, ấp 3 (Tân Tây, Gò Công Đông) đều trông chờ vào ao sau nhà. |
Ngược về các xã phía Tây, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những chiếc xe thồ, xe máy chở các can nhựa chứa đầy nước xuôi ngược. Ao làng bỏ hoang ở xã Tân Phú nằm cạnh Tỉnh lộ 877B nước xanh lè, nhưng mỗi ngày “tiếp nhận” rất đông người đến lấy nước.
Dù trời còn đang đứng bóng, nắng rát cả mặt người, ông Cao Văn Hai, ấp Kinh Nhiếm, xã Phú Thạnh, nhuễ nhại mồ hôi múc từng thùng nước từ ao đổ vào các can nhựa (mỗi can 30 lít). Hàng tháng nay, ngày nào ông cũng chở can nhựa đi lấy nước cách nhà trên cây số về tắm rửa, giặt giũ và cho vật nuôi uống. “Trời đang trưa nên ít người đi chở nước, một tí nữa nắng dịu xuống, người đến đây lấy nước nhiều lắm. Lúc đó, chú mặc sức mà chụp hình”- ông Hai nói.
Men theo con đê trải đá xanh cặp sông Cửa Tiểu hướng về ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh. Bên ngoài là những đầm tôm đang vào mùa với tiếng máy quạt xập xình, nước văng tung tóe. Phía trong là những ruộng vườn khô nứt nẻ. Ông Thành, ấp Bà Lắm trầm ngâm: “Người dân ở đây còn phải chịu như thế này dài dài. Nằm trong vùng hẻo lánh, không biết bao giờ mới vào được nước máy. Nếu vô được, chắc gì nước máy có đủ để xài”.
Theo thống kê, toàn xã Phú Thạnh còn 50% hộ chưa có nước máy sử dụng. Hiện tại, các ao, kinh, mương bị ô nhiễm nặng hoặc đã cạn kiệt, khó khăn về nước sinh hoạt là không thể tránh khỏi. “Mùa khô này, trên địa bàn xã được kéo thêm một số tuyến ống nước và mở vòi nước công cộng cho dân xài. Tuy nhiên, nước trong các ao trữ của trạm cấp nước tập trung đang xuống rất thấp. Nếu mưa trễ, khả năng nước máy cũng bị thiếu và thiếu nước gay gắt nhất khi bước vào tháng 4”- ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về nước sinh hoạt trên huyện cù lao, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết số hộ vào nước máy trên địa bàn huyện còn rất thấp, khoảng 35%. Bên cạnh những hộ chưa vào nước máy gặp khó khăn trong sinh hoạt, năm nay nguồn nước máy cũng không “dễ thở”.
Hiện tại, mực nước ao trữ 6 ha ở Tân Thới cũng như các ao khác xuống rất nhanh. Những ngày tới, nắng nóng còn gay gắt hơn dẫn đến nước bốc hơi càng nhiều, người dân sử dụng nước tăng, nếu không có giải pháp, khả năng ao 6 ha chỉ đảm bảo cung cấp đến giữa tháng 4. Giải pháp cho vấn đề này, Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị cấp nước sẽ tranh thủ những đợt giảm mặn trên sông để lấy nước bổ cấp cho ao 6 ha ở Tân Thới.
Dẫu biết rằng đến hẹn lại “khát”, nhưng mỗi mùa khô qua, người dân xứ Gò lại phải “oằn mình” với “khát”. Tình cảnh đó vốn có từ lâu ở vùng đất giáp biển mà người dân nơi đây đời này qua đời khác đối mặt với thiên nhiên. Nhiều thập niên qua các cấp, các ngành đã nỗ lực “giải khát” cho miền đất “khát”. Song cứ đến hẹn lại lên tình cảnh “khát” vẫn là vấn đề nan giải.
TÂN PHÚ
Hình ảnh quen thuộc của người dân xứ Gò khi mùa khô đến