Đưa chuẩn mực đạo đức phụ nữ trong thời kỳ mới vào đời sống
Thước đo giá trị luôn luôn có sự biến chuẩn theo thời gian. Theo quan niệm của Nho giáo, phụ nữ phải đạt chuẩn tứ đức là “công, dung, ngôn, hạnh”.
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng qua 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Trong cuộc sống hiện đại, đòi hỏi giá trị chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam phải là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và bà Nguyễn Thị Sáng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phân tích:
Tự tin là tin vào bản thân mình. Biểu hiện cụ thể của tự tin là tự đánh giá được bản thân; có chí tiến thủ, không ngại khó khăn, thử thách; coi khó khăn là môi trường để rèn luyện; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm; quyết đoán, chủ động, bình tĩnh xử trí mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống; tự lực, tự chủ, thích độc lập; thái độ hợp tác cao, sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; thắng không kiêu, bại không nãn, “coi thất bại là mẹ thành công”; mạnh dạn trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân.
Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân. Biểu hiện của tự trọng là: Tôn trọng pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử của tập thể, cộng đồng; tôn trọng chuẩn mực đạo đức xã hội; coi trọng danh dự bản thân và có lòng tự tôn dân tộc.
Lao động nữ trong phòng thí nghiệm. Ảnh Duy Bằng |
Trung hậu là trung thực, trung thành, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của lòng trung hậu là trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ; sống nhân ái, vị tha, trung thực, thẳng thắn, cương trực. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu vẫn luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam.
Đảm đang là biết lo toan, sắp xếp để thực hiện được cả công việc gia đình và xã hội. Đức tính đảm đang không phải là người phụ nữ phải cáng đáng hết mọi việc, mà sự đảm đang của người phụ nữ thể hiện là sắp xếp phân công công việc hợp lý, thu hút các thành viên tích cực tham gia công việc gia đình; chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định, đóng góp vào nguồn thu của gia đình; tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình; quan tâm, chăm sóc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; chi tiêu hợp lý, có kế hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và thực hành tiết kiệm; biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, nâng cao trình độ và chăm sóc bản thân.
PV: Những phẩm chất đạo đức theo chuẩn mực mới này đã được giáo dục cho phụ nữ tỉnh nhà như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Sáng: Từ năm 2010, những chuẩn mực trên đã được các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp phụ nữ thông qua việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Đề án 343). Đề án này do Hội LHPN làm cơ quan thường trực, với 4 tiểu đề án do 4 đơn vị chủ trì. Cụ thể: Hội LHPN tỉnh chủ trì thực hiện Đề án 343 trong hệ thống Hội.
Lao động nữ trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Hồng Thái |
Tính đến nay, các cấp Hội đã triển khai 537 cuộc trong nội bộ cán bộ Hội, thu hút hơn 8.200 lượt người dự. Sở GD&ĐT chủ trì thực hiện Đề án 343 trong hệ thống trường học. Ngành đã xây dựng thí điểm tại 3 đơn vị, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền đến trường học. Sở Thông tin & Truyền thông chủ trì thực hiện Đề án 343 trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Kết quả, đã tập huấn cho phóng viên về bình đẳng giới và có hàng trăm tin, bài viết về giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ, bình đẳng giới… được đăng tải trên báo, đài địa phương. SởVH-TT&DL chủ động xây dựng nhiều hoạt động nhằm thực hiện Đề án 343 thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Sau 3 năm, Đề án 343 đã góp phần tuyên truyền ngày càng sâu rộng đến các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh các giá trị chuẩn mực về phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
PV: Xin cảm ơn bà.
THỦY HÀ (thực hiện)