Hỗ trợ đào tạo nghề cho 25.783 lao động nông thôn
Ngày 27-3, Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Nhiều phụ nữ ở xã Thanh Hòa (Cai Lậy) được đào tạo nghề đan lát và hiện đang sinh sống bằng nghề này. |
Trong 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 25.783 lao động nông thôn, đạt 73,66% so với mục tiêu đề ra. Trong đó có 10.626 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo và số lao động học nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp chiếm 36,36%. Tổng kinh phí hỗ trợ là 12,17 tỷ đồng. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là sửa chữa xe gắn máy, may công nghiệp, sửa chữa điện dân dụng, cắt uốn tóc, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Riêng đánh giá của các huyện, thị, thành, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề là hơn 75%, trong đó tạo được việc làm chủ yếu là các nghề ở lĩnh vực nông nghiệp, còn các nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp như sửa chữa - lắp ráp điện dân dụng thì số lao động được đào tạo có việc làm chỉ đạt từ 20-30%.
Qua kết quả khảo sát vào cuối năm 2011 và 2012 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh đối với lao động nông thôn đã được hỗ trợ dạy nghề sau một năm là có 7,6% có việc làm mới; 31% đã thay đổi việc làm theo nghề mới học; 74% ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất và 72,7% đã tăng thêm thu nhập với mức khoảng 240.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp, còn đối với lao động phi nông nghiệp thì mức thu nhập tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng/lao động…
Thực hiện mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2013-2015, tỉnh sẽ hỗ trợ dạy nghề cho 48 ngàn lao động nông thôn, trong đó lao động học nghề phi nông nghiệp chiếm 60%. Tuy nhiên, trong năm 2013, nguồn vốn Trung ương chỉ hỗ trợ 8 tỷ đồng nên chỉ hỗ trợ dạy nghề cho 7.500 lao động nông thôn, trong khi kế hoạch sẽ hỗ trợ dạy nghề cho 20 ngàn lao động nông thôn với kinh phí đề nghị hỗ trợ 22 tỷ đồng.
Tại hội nghị, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ tỉnh đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg chỉ đạo tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp; đồng thời yêu cầu các sở, ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về công tác đào tạo nghề.
Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực tế và tập trung cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã…
HỮU NGHỊ