Thứ Sáu, 05/04/2013, 06:04 (GMT+7)
.

Công khai việc của dân trong xây dựng nông thôn mới

Đó là ý nguyện mà nhiều người dân các xã: Phú An, Mỹ Hạnh Trung (Cai Lậy) đã đặt ra khi tiếp xúc với các tổ đại biểu HĐND tỉnh. Trong khả năng diễn đạt của mình, người dân cho rằng do nguồn lực có hạn, tỉnh cần xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) có lộ trình hợp lý và có trọng tâm, trọng điểm - đặc biệt là cần phân định tiêu chí nào Nhà nước làm, tiêu chí nào người dân phải thực hiện - kể cả đối với xã chưa được chọn, để nhân dân có sự chuẩn bị ngay từ đầu.

ĐỀ ÁN NTM VẪN NẶNG VỀ HẠ TẦNG

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua 2 năm thực hiện xây dựng NTM ở 29 xã điểm, thì tổng huy động nguồn lực cho 29 xã này khoảng 331 tỷ đồng, chỉ bằng 7% tổng nhu cầu vốn theo đề án được duyệt, và tới giờ cũng chỉ có 11 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 16 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và có 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí là Bình Xuân (TX. Gò Công) và Tân Hòa Tây (Tân Phước).

Rõ ràng mục tiêu đến năm 2015 rất khó hoàn thành 29 xã đạt chuẩn NTM  nếu chỉ trông chờ vào kinh phí đầu tư mà theo ông Minh là “rất lớn, trong khi nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng giữ vai trò quyết định nhưng chưa (hoặc chậm) huy động được”.

Đường giao thông tại xã Hậu Mỹ Phú - Cái Bè. Ảnh: Ngô Tông
Đường giao thông tại xã Hậu Mỹ Phú - Cái Bè. Ảnh: Ngô Tông

Cũng theo ông Minh, qua kiểm tra cho thấy công tác xây dựng đề án rất chậm so với thời gian quy định, chủ yếu do năng lực chủ đầu tư, năng lực đơn vị tư vấn yếu, chưa thực sự tập trung cao trong quá trình thực hiện, đặc biệt nội dung của các đề án xây dựng NTM có “mẫu số chung” là nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập, môi trường, văn hóa... vốn là những chỉ tiêu chủ yếu dựa vào sức dân là chính.

Chính vì vậy các mục tiêu đề ra (hạ tầng) thường là không có nguồn lực đảm bảo và không gắn với lộ trình thực hiện thích hợp với cơ chế huy động nội lực của chủ thể là người dân, chủ yếu vẫn trông vào ngân sách, nhiều giải pháp thiếu thực tiễn nên lúng túng trong tổ chức thực hiện đề án, khó trở thành “cẩm nang hành động” trong xây dựng NTM ở các xã điểm.

NHỮNG PHẦN VIỆC THUỘC VỀ NGƯỜI DÂN

Theo ông Trịnh Công Minh, công việc “thuộc về trách nhiệm nhân dân” là rất quan trọng. Đó là, về “việc làng” thì trước tiên cộng đồng dân cư phải tham gia góp ý xây dựng đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM, rồi từ việc thống nhất đồ án, đề án, người dân sẽ tham gia với chính quyền xã trong việc lựa chọn những công việc cụ thể nào cần làm trước, việc nào để sau, bàn bạc dân chủ, chọn việc cho thật sát với nhu cầu, lợi ích của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của xã.

Sau khi đã thống nhất các công việc cần “ưu tiên triển khai” thì tới phần vận động đóng góp xây dựng công trình công cộng của xã, ấp theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng phải bàn dân chủ để tìm ra cách thức vận động mà cả hộ giàu lẫn hộ nghèo đều cảm thấy “thoải mái”.

Cũng cần nói thêm, về “việc nhạy cảm” liên quan tiền bạc này, một số xã có cách làm rất hay như Tân Hội Đông (Châu Thành), Vĩnh Hựu (Gò Công Tây)... đã đưa ra được cả cơ chế: vận động được người dân tự nguyện đóng góp tiền trên đơn vị diện tích sản xuất để phục vụ công cuộc xây dựng NTM.

Cụ thể năm qua xã Vĩnh Hựu đã thu được 250 triệu đồng đưa vào đầu tư các công trình công cộng. Một việc chung không kém phần quan trọng nữa là sau khi công trình tiến hành khởi công thì mỗi người dân, hộ dân thuộc khu vực công trình thi công cũng nên cùng tham gia giám sát chất lượng thi công (hoặc cử đại diện giám sát) và sau khi công trình hoàn thành thì cũng nên cùng “để mắt” tới công trình, kịp thời phát hiện hư hỏng (dù nhỏ) để “báo cáo ấp, xã xử lý ngay”, đảm bảo công trình được sử dụng lâu dài. 

Bên cạnh “nghĩa vụ và cũng là quyền lợi” của người dân với chuyện làng, chuyện nước thì tới “nhiệm vụ” của từng hộ gia đình. Trước hết là từng hộ dân, từng người dân cũng tự giác nghĩ ra cách thi đua lao động nhằm tăng thu nhập, vượt nghèo, làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng - phát triển hợp tác xã, câu lạc bộ, các hình thức liên kết, liên doanh trên địa bàn (nếu có) để cùng dắt tay nhau “đi lên”.

Hộ có tiền thì tự xây dựng, chỉnh trang, làm đẹp nhà cửa, xây dựng hàng rào chắc chắn và các công trình hợp vệ sinh như nhà tắm, nhà vệ sinh... Hộ còn khó khăn thì củng cố bảo ban thành viên gia đình “ăn ở sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp”, tạo cảnh quan nhà ở khang trang, sạch đường làng ngõ xóm, không vứt rác bừa bãi.

Hộ nông dân chú ý cải tạo vườn tạp, bảo nhau thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, con em trong nhà phải được đến trường, thành viên trong độ tuổi lao động đều cố gắng kiếm việc làm, tránh “nhàn cư vi bất thiện”; sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và điện an toàn; giữ tình làng nghĩa xóm; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; răn dạy con em không tham gia tệ nạn xã hội...

Ngoài ra, từng hộ dân cần tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể như hiến đất, ngày công lao động tham gia các công trình hạ tầng phúc lợi địa phương (được biết trong 2 năm qua, 29 xã triển khai xây dựng NTM đã vận động nhân dân đóng góp “hiện vật quy giá trị” gần 52 tỷ đồng, chủ yếu là hiến đất, hoa màu để xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi) – đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng trong dân cần tiếp tục phát huy.

Một điều quan trọng là “việc của dân” cũng phải gắn chặt với việc của đoàn thể như các mô hình xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “1 tăng 4 giảm” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, mô hình mới “Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà” và “Ánh sáng quang phòng, chống tội phạm” của ngành Công an, đặc biệt các đoàn thể cũng đã thể hiện vai trò hết sức quan trọng trong hỗ trợ, động viên các thành viên của mình cùng tham gia thực hiện mục tiêu chung.

Ví dụ như xã Tân Hội Đông (Châu Thành) triển khai rất tốt mô hình chăn nuôi bò sữa theo dự án của Hội Nông dân tỉnh dành cho xã NTM; Hội Liên hiệp Phụ nữ có các dự án tín dụng vi mô giúp phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo; Đoàn Thanh niên có các dự án hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp...

QUỐC ANH

.
.
.