Xã Thanh Hòa: Mô hình “khu vườn tình thương” giúp nhiều hộ thoát nghèo
Mô hình “khu vườn tình thương” của ông Nguyễn Văn Lình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã kiêm cán bộ Ban Xóa đói giảm nghèo ở xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy đã giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Từ hiệu quả bước đầu, toàn xã đã nhân rộng ra 58 khu vườn và hỗ trợ rất nhiều cho nông dân nghèo nơi đây.
Chị Trang vui mừng bên cây mít “siêu sớm, siêu trái” mà ông Năm Lình tặng để thoát nghèo. |
Năm 2009, miếng vườn chưa đầy 1.000m2 của chị Nguyễn Thị Trang, ấp Thanh Bình còn là vườn tạp, thu nhập chỉ vài trăm ngàn đồng/năm. Không vay được vốn cải tạo vườn, chị Trang và người anh trai Nguyễn Văn Nghĩa quanh năm bươn chãi làm thuê khắp nơi để kiếm sống.
Vào năm 2010 chú Năm Lình (ông Nguyễn Văn Lình) tìm đến tận nhà cho 10 cây mít giống “siêu sớm, siêu trái” trồng làm vốn và nói vừa chăm sóc, vừa đi làm thuê sẽ có ngày thoát cảnh nghèo. Dù làm theo ông, song 2 anh em chị Trang cũng chưa tin tưởng lắm. Sau đó, ông Năm Lình tận tình chỉ dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Mười cây mít ngày một lớn và đầu năm 2012 bắt đầu cho trái. Sau đó, ông Năm Lình tiếp tục hỗ trợ thêm cho 2 anh em chị Trang 20 cây mít giống. Chị Trang cho biết: “Giống mít cao khoảng 2m đã cho trái, mỗi trái cân nặng từ 20-30 kg”. Đến lúc thu hoạch, lúc đầu 2 anh em chị Trang không tin vì giá mít quá cao: 20.000 đồng/kg mít già, 26.000 đồng/kg mít chín, trái mít nặng hơn 20 kg bán được trên 500.000 đồng. Đến lúc này, anh em chị Trang mới tin trồng mít có thể thoát được cái nghèo.
Nghe tin giá mít trên thị trường có lúc lên hơn 30.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu, 2 anh em chị Trang bàn nhau phá bỏ vườn tạp, cải tạo đất và mua thêm mấy chục cây mít giống về trồng. “Cây mít cho trái hai lứa một năm, nếu chăm sóc đúng cách thì trái to, đẹp, bán có giá. Nhờ mấy cây mít giống ban đầu mà hiện nay cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó nhọc. Đến lúc, vườn mít cho trái đồng loạt, chắc chắc gia đình tôi sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã” - chị Trang quả quyết.
Ở ấp Thanh Bình, xung quanh căn nhà 167 của ông Nguyễn Văn Cường chỉ thấy những cây mít xanh tốt sum suê, nhiều cây đang cho trái nặng trĩu. Vườn mít của ông Cường cũng là một trong những “khu vườn tình thương” được Hội Chữ thập đỏ và Ban Xóa đói giảm nghèo xã Thanh Hòa tặng mít giống để trồng thoát nghèo. Gia đình tôi thuộc diện gia đình chính sách nhưng đất đai chưa đầy 1.000m2, lại thêm con cái và bản thân bị bệnh liên miên nên không thể thoát được cảnh nghèo, tháng nào UBND xã cũng phải trợ cấp”- ông Cường chỉ tay vào vườn mít mà nhớ lại.
Ngày ông Năm Lình mang 10 cây mít giống “siêu trái, siêu sớm” đến tặng cho gia đình ông Cường để thoát nghèo, ông Cường và vợ không tin và khéo từ chối. Nhưng nhờ sự thuyết phục và chỉ dẫn kỹ thuật canh tác tận tình của ông Năm Lình, đến cuối năm 2011 mười cây mít đầu tiên có trái đồng loạt, tuy mỗi cây chỉ mới cho 2-3 trái nhưng vợ chồng ông Cường và bà con lối xóm vui như Tết vì cơ hội thoát nghèo cho gia đình đang mở ra, thu nhập từ 10 cây mít cao gấp nhiều lần tiền trợ cấp hộ nghèo của xã.
Tháng 5-2012, gia đình ông Cường tiếp tục được hỗ trợ thêm 15 cây mít giống, bản thân ông cũng mua thêm cây giống về cải tạo vườn. Ông Cường khoe: “Cuối năm 2012 nhờ thu hoạch từ mấy cây mít mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, được UBND xã công nhận thoát nghèo”.
Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: “Thanh Hòa có hơn 670 ha đất nông nghiệp nhưng dân số hơn 1.500 hộ. Vì vậy, hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao (118 hộ nghèo và 151 hộ cận nghèo).
Trước đây xã cũng có nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo từ sản xuất nông nghiệp như: trồng cây có múi nhưng đất đai không phù hợp, kỹ thuật canh tác phức tạp nên thất bại. Từ khi xuất hiện mít “siêu sớm, siêu trái” trên đất Thanh Hòa cho hiệu quả kinh tế rất cao (trung bình 1ha vườn mít từ 2 năm tuổi trở lên cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, chủ vườn lãi 40%) thì những “khu vườn tình thương” xóa đói giảm nghèo bằng cây mít liên tiếp xuất hiện và bước đầu đã mang lại hiệu quả”.
SĨ NGUYÊN