Thứ Năm, 09/05/2013, 18:27 (GMT+7)
.

Nỗi truân chuyên - nghị lực và ước mơ của bà Đoàn Thị Hưởng

a
Bà Hưởng (trái) và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Thị Thủy trong túp lều thấp tè, trống huơ trống hoác, dột nát tứ tung của 4 mẹ con bà Hưởng.

Đọc đơn xin cầu cứu giúp đỡ của bà Đoàn Thị Hưởng (sinh năm 1956, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước), chúng tôi cảm thấy vô cùng thương tâm nhưng cũng rất nể phục ý chí và nghị lực của bà đã vượt qua những khó khăn, vất vả, cực nhọc trong một thời gian dài để cho 3 đứa con không phải dỡ dang chuyện học hành.

Theo hướng dẫn của cô Phan Thị Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã xuống xác minh thực tế hoàn cảnh khó khăn của bà Hưởng, chúng tôi thấy có lẽ không còn có nỗi khổ nào hơn.

Túp lều trú ngụ của 4 mẹ con bà Hưởng rộng chừng khoảng 10 m2, thấp tè, trống huơ trống hoác, dột nát tứ tung; chỉ vừa đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn con và một cái bếp nhỏ. Nhìn vẻ mặt khắc khổ của bà, cũng đủ thấy cuộc sống của gia đình bà hết sức khó khăn, vất vả.

Bà kể bằng một giọng đứt quảng, thỉnh thoảng lại đưa tay lên chùi nước mắt: - Vợ chồng tôi không một cục đất chọi chim, má chỉ chia cho mảnh đất nhỏ này cất căn chòi để ở. Chồng đi làm thuê, tôi đi bán vé số dạo, cùng nhau làm lụng ráng sức nuôi 3 đứa con ăn học.

Những tưởng…(bà lại nấc nghẹn, đưa tay chùi nước mắt rồi mới kể tiếp) nhưng không ngờ chồng tôi lại bỏ 4 mẹ con tôi mà đi, khi cháu đầu (Nguyễn Thị Bảo Huyền, sinh năm 1994) mới học xong THCS và hai cháu song sinh (Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Ngọc Thuần cùng sinh năm 1999) mới học xong tiểu học.

Khó khăn và hụt hẫng, các con tôi đều xin nghỉ học mà lòng tôi đau như cắt, như có ai vò ai xé. Thất học, rồi sau này tương lai của các con tôi sẽ ra sao, hay lại như tôi quanh quẩn trong cái vòng làm thuê, sống cuộc đời cơ cực, nghèo khó.

Quyết không để cho các con dang dỡ chuyện học hành, bà đã bảo với các con nếu thương má thì phải cố gắng học hành thiệt giỏi, để sau này có công ăn việc làm mới có điều kiện nuôi má khi tuổi già, sức yếu. Vậy là, hàng ngày bà lại cặm cụi đi bán vé số, tối về thức đến tận khuya đan đệm bàng kiếm thêm tiền để lo cho các con ăn học.

Trước đây, bà chỉ bán mỗi ngày khoảng 100 tờ vé số, nhưng giờ đây bà phải ráng bán cho được khoảng 200 tờ. Bà đi nhiều hơn, xa hơn, giọng khản đặc vì phải mời mọc, năn nỉ. Nhiều lúc tôi tưởng mình sẽ ngã quỵ, chân bước đi không muốn nổi, phải dừng lại nghỉ nhiều hơn để thở, để cho đôi chân bớt tê dại - bà buồn tủi nói trong dòng nước mắt.

Là một gia đình thuộc diện hộ nghèo được cấp sổ, không có đất sản xuất nên việc lo cho cái ăn, cái mặc đã quá khó khăn lại còn phải lo tiền học cho các con. Vì vậy, túp lều rách nát của 4 mẹ con bà theo thời gian lại càng rách nát thêm mà không có cách gì để sửa chữa, đành phải chịu cảnh mưa tạt, gió lùa. Thời gian và sự kham khổ càng ngày càng bào mòn sức lực của bà.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Thị Thủy cho biết: - Bà Hưởng đã mấy lần phải nhập viện vì suy nhược cơ thể, vậy mà bà vẫn phải cố gắng bươn chải. Điều an ủi lớn nhất đối với bà là các con chăm ngoan, học giỏi. Cháu đầu hiện là sinh viên đại học năm thứ nhất, hai cháu sau đang học lớp 8. Ngoài giờ học, các cháu còn tranh thủ kiếm củi, bắt ốc, hái rau, đan thêm đệm bàng phụ mẹ.

Hy vọng qua bài viết này, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các nhà hảo tâm, từ thiện hãy dang rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ cho 4 mẹ con bà Hưởng một mái ấm tình thương. Đó cũng chính là ước mơ mà 4 mẹ con bà Hưởng hằng mơ ước.

ANH ĐẬU

.
.
.