Anh Năm Phú ra đi, để lại dấu ấn cuộc đời khó quên
Thế là anh Lê Văn Phú đã đi xa. Anh là một trong những con người mà cả cuộc đời làm theo lời Bác. Nhiều người nhắc đến anh với dấu ấn khó quên.
Tôi may mắn về vành đai diệt Mỹ khá lâu, là người chỉ huy một đơn vị đánh Mỹ nên phải hiểu địch, nắm ta. Đặc biệt là những địa chỉ đỏ, những gia đình cách mạng, trong đó có gia đình, họ hàng anh và cả bên vợ anh.
Anh sinh ra tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành - Tiền Giang. Cụ thân sinh là một nhà Nho yêu nước. Anh Hai Lê Văn Nhung (tức Việt Thắng) đậu tú tài nhưng không làm cho Tây, mà theo cách mạng làm tới Phó Bí thư Khu ủy Khu 8, sau này là Bí thư Tỉnh ủy An Giang.
Anh luôn tự hào về quê mình. Anh say sưa kể về lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầu tiên tại đình Long Hưng, về diễn biến của khởi nghĩa và sự tàn sát dã man của giặc Pháp. Đặc biệt về 4 người anh hùng vì không để rơi vào tay giặc đã phải chấp hành lệnh kết thúc cuộc đời tại Gò Me, đó là: Ghè - Huân - Quới, còn Năm Giác bị thương nặng bị bắt, bị kết án tử hình, để lại bài thơ bất hủ.
Anh tham gia cách mạng từ năm 1937 và được chọn là học sinh trường Phan Lương Trực, rồi học viên lục quân Trần Quốc Tuấn (Phân hiệu Nam bộ) cùng với các anh: Ba Đức, Lê Tấn Phát, Tám Truyền, Ba Son… Đến năm 1954 anh tập kết ra Bắc được học tập, bồi dưỡng rồi chuyển ra nông trường.
Năm 1966, anh tình nguyện về Nam ở trên Miền rồi về Khu 8 làm giảng viên trường Trần Phú. Chính ở nơi đây anh gặp chị Hai Giác, một nữ Huyện đội phó Châu Thành cùng quê anh, từng lập công tại vành đai. Qua giới thiệu của tổ chức, anh giảng viên cán bộ mùa Thu đã mê nàng huyện đội và sau nên vợ nên chồng:
Trai tài thầy dạy Mác-Lê
Gặp nữ Huyện đội cùng quê cũng tài
Mối tình đẹp đẽ làm sao
Hai người đồng chí tự hào cùng đi.
Sau đại thắng mùa Xuân, anh tham gia tiếp quản TP. Mỹ Tho, sau được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá tỉnh nhà. Còn chị được điều về làm Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Vợ chồng anh được phân bổ về ở căn nhà số 19 Lý Công Uẩn, Phường 1. Hai người cùng thi đua cống hiến cho cách mạng và chăm sóc hai “hoàng tử” ăn học thành tài.
Anh Năm Phú rặt là nông dân, bởi với anh không có khoảng cách với mọi người. Tại căn nhà ở phố chợ, ngoài giờ làm việc, anh chị luôn được đón tiếp người dân kháng chiến nơi quê hương anh chị với tình cảm nồng thắm, ân tình chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Ở anh có sự giản dị lạ thường với chiếc áo bà ba, chiếc quần lá lem, tay cầm túi bàng. Người Chủ nhiệm Vật giá tỉnh trong những năm bao cấp, đặc biệt là giai đoạn thực hiện “giá - lương - tiền”, hầu như chiều nào anh cũng tới từng phố chợ, từng người dân quê bán hàng hỏi về giá từng mặt hàng.
Người Chủ nhiệm Vật giá nắm bắt để làm tham mưu cho Tỉnh ủy, đề xuất với trên.
Anh tâm sự: Hãy vì dân để làm lợi cho dân và cái khó giá - lương - tiền thì dân liệu mới xong. Và người dân phố chợ cảm tình với anh, họ bán rẻ hoặc tặng rau, khoai về anh nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo cải thiện cuộc sống.
Anh chị không suy tính thiệt hơn, đang ở căn nhà 3 tầng trị giá hàng trăm cây vàng, khi Nhà nước cần anh đổi căn khác, giá trị thấp. Có người bảo sao dại thế? Anh mỉm cười nói mình là cộng sản!
Tới năm 1990 được nghỉ hưu cũng đã tới tuổi xưa nay hiếm, anh chị lặn lội ra vùng Sông Bé khai hoang, lập làng mới đem cây trái quê nhà thử nghiệm trên đất đỏ bazan... Những kinh nghiệm của thời làm Phó Giám đốc nông trường trên đất Bắc nay đã đơm hoa kết trái, mang hiệu quả kinh tế để mọi người theo.
Anh yêu thơ và cũng có tập thơ cho riêng mình.
Anh tự hào về trường Phan Lương Trực của mình, tự hào là học viên sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Nam bộ (1950-1952).
Anh Năm Phú ra đi ở tuổi 87 và mọi người luyến tiếc tiễn đưa anh về an táng tại ấp Long Hòa A (Bàn Long, Châu Thành) nơi đất nhà Má Hai đầu cầu thời chống Pháp và Mỹ. Nơi má và gia đình đã từng đưa bao đoàn quân qua sông ra trận. Cũng là nơi giặc Mỹ - ngụy đã đổ quân hòng bắt sống chị Hai Giác mà bao chiến sĩ pháo binh vành đai phải liều mình hỗ trợ với lời động viên của người đại đội trưởng Hai Mẫn “ráng trườn Giác ơi!!!”. Anh yên giấc ngàn thu với ba má và người thân.
Cuộc đời, sự nghiệp, việc làm của anh Năm Phú là dấu ấn khó quên.Tiễn biệt anh xin có vần thơ:
Chẳng ham địa vị, chẳng ham tiền
Cuộc đời trí dũng kiệm cần liêm
Dấu ấn cuộc đời dân nhớ mãi
Thanh thản ra đi thật quá tiên.
SỸ HIỆP