Chung tay chăm lo đời sống công nhân, lao động
Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 115.099 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp (DN), trong đó có 65.919 CNLĐ trong các loại hình DN, tăng 57,73% so với năm 2008. Cùng với ghi nhận chung về giải quyết việc làm thì còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: thu nhập (tiền lương), kỹ năng, trình độ và đời sống tinh thần...
Đi làm công nhân để có thu nhập
Một sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị thấy rõ hiện nay là cứ vào mỗi buổi sáng sớm trong tuần tại các trục đường chính của các xã ở hầu hết các huyện trong tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước… đều có từng tốp người công nhân đang làm việc tại các công ty chờ xe của các DN đến đón vào các xưởng làm việc.
Hiện Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương (Châu Thành) là KCN có nhiều xe đưa đón công nhân nhất tỉnh, lên đến hàng chục xe (50 chỗ ngồi) mỗi ngày. Hiện KCN này có hơn 40 ngàn CNLĐ đang làm việc tại các DN.
Chị Lê Thị Tươi (ở xã Tân Hương), đang làm việc tại Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang (KCN Tân Hương) cho biết: “Gia đình không có đất sản xuất. Trước đây, ai thuê gì tôi làm nấy, thu nhập rất bấp bênh, cộng với tiền chạy xe ôm mỗi ngày của chồng mà cũng chẳng lo đủ cho 5 miệng ăn của cả nhà. Nhờ người quen giới thiệu, tôi vào làm công nhân tại công ty được hơn một năm, thu nhập bình quân cũng được hơn 4 triệu đồng/tháng. Mặc dù làm công nhân có vất vả một chút nhưng được cái là có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định nên cũng yên tâm hơn”.
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Royal Foods. |
Hiện Công ty cổ phần May Sông Tiền (Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho) có 2.000 công nhân đang làm việc. Chị Bùi Thị Quỳnh Như, một công nhân đang làm việc tại công ty cho biết, gia đình chị ở Tây Ninh, có nghề trồng rẫy nhưng đất ít, lại thường mất mùa, nên ba mẹ và đứa em đang học lớp 11 phải sống rất chật vật. Do đó, mỗi tháng chị Như phải trích 1 triệu đồng từ tiền thu nhập khoảng 4 triệu đồng làm công nhân may của mình để gửi về phụ giúp gia đình.
Đi làm công nhân để có thu nhập đang được xem là giải pháp “cứu cánh” cho đa số lao động nông thôn hiện nay. Theo thống kê của UBND xã Tân Hương, hiện xã có 2.000 người dân là công nhân, lao động đang làm việc cho các công trình xây dựng nhà máy, công ty tại KCN Tân Hương. Còn ở xã Tân Hội Đông (Châu Thành) con số lao động nông thôn tham gia làm việc tại các KCN, công ty cũng tăng theo hàng năm.
Nếu như trong 3 năm (năm 2010-2012) xã đã giải quyết việc làm cho 250 lao động thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013 xã đã giải quyết cho gần 200 đơn xin vào làm tại KCN Tân Hương. Từ đó, tạo điều kiện cho xã giải quyết đáng kể vấn đề thất nghiệp cho số người đến tuổi lao động của xã; góp phần ổn định kinh tế - xã hội, giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo của xã thêm hiệu quả; đồng thời thu nhập của người dân được cải thiện…
Được hỗ trợ nhiều hơn
Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng hiện nay vẫn có nhiều công ty không ngừng quan tâm đầu tư cho người lao động, bởi lẽ sự phát triển của DN phụ thuộc nhiều vào sự ổn định công nhân. Một số DN đã tăng các khoản phúc lợi cho người lao động như: Hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà trọ, chuyên cần, tiền xăng xe… từ 50.000 - 500.000 đồng/người, góp phần chia sẻ khó khăn chung và giúp người lao động an tâm, gắn bó với DN.
Nổi bật trong hoạt động này có Công ty cổ phần May Sông Tiền đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân như: Hỗ trợ bữa ăn sáng miễn phí cho công nhân (giá mỗi suất khoảng 7.000 đồng); hỗ trợ công nhân 50% bữa cơm chiều; hàng quý đều có hỗ trợ tiền đi nhà trẻ cho con em công nhân; nâng mức tiền thưởng loại A từ 100.000 đồng lên 150.000 - 200.000 đồng; nâng đơn giá sản phẩm thêm 10%; nâng bữa ăn từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng.
Riêng Công ty TNHH Royal Food (KCN Mỹ Tho) hỗ trợ tiền xăng 5.000 đồng/ngày/công nhân; đồng thời hỗ trợ 50% ngày lương cho công nhân trong những ngày nghỉ…
Công nhân Công ty TNHH Quảng Việt mua thức ăn tại căn tin Công đoàn của công ty. |
Với số lượng CNLĐ đông, đa số xa nhà nên nhu cầu nhà ở vẫn đang là vấn đề rất lớn và cấp thiết. Nhằm giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở cho CNLĐ, một số DN đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Điển hình có Công ty cổ phần Gò Đàng đã đầu tư 22,4 tỷ đồng để mua đất xây dựng 3 khu nhà ở cho công nhân với 161 phòng, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho 620 công nhân trong tổng số 1.900 CNLĐ đang làm việc tại công ty.
Từ năm 2008, Công ty cổ phần Hùng Vương (KCN Mỹ Tho) cũng đã đầu tư mua 722m2 đất ở ấp Bình Tạo, xã Trung An để xây dựng khu nhà ở cho công nhân khá tiện nghi. Khu nhà có 4 lầu, với 40 phòng và hiện đã có 300 công nhân của công ty vào ở. Được biết, công nhân vào đây ở chỉ mất khoảng 50.000-60.000 đồng/người/tháng cho tiền điện, nước, rác thải…
Ngoài ra, còn có Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Giang đã xây dựng 160 phòng trọ với diện tích 4.300m2 tại xã Trung An, cho hơn 500 công nhân lao động thuê. Công ty Phan Huỳnh cũng đã thuê đất trong Cụm công nghiệp Trung An xây trên 50 phòng trọ, phục vụ 200 công nhân… Tuy số lượng DN xây dựng nhà ở cho CNLĐ chưa nhiều, nhưng đây cũng là bước ngoặt trong vấn đề chăm lo đời sống CNLĐ của các DN.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các DN, CNLĐ còn được Nhà nước và thông qua các tổ chức Công đoàn quan tâm triển khai nhiều chính sách chăm lo về đời sống. Nổi bật trong các hoạt động có việc triển khai xây dựng Mái ấm Công đoàn với 711 Mái ấm Công đoàn được sửa chữa và xây dựng trong 5 năm qua (từ năm 2008-2013) với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng đã giúp cho CNVCLĐ gặp khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống, an tâm lao động, sản xuất.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 01/ĐA-LĐLĐ về xây dựng Khu nhà trọ công nhân tự quản ở các khu - cụm công nghiệp đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh thành lập 21 khu nhà trọ công nhân tự quản ở các khu nhà trọ tư nhân, công ty với trên 900 phòng trọ có hơn 2.000 công nhân ở trọ. Chính những khu nhà trọ công nhân tự quản đã tạo cho CNLĐ nơi “an cư lạc nghiệp”.
Bắt đầu từ năm 2012, LĐLĐ tỉnh định kỳ tổ chức Tháng Công nhân vào tháng 5 hàng năm. Đến nay, Tháng Công nhân không chỉ được đông đảo CNVCLĐ tham gia mà còn được nhiều người sử dụng lao động đồng tình, ủng hộ.
Tháng Công nhân trong năm 2013 sẽ được LĐLĐ tỉnh triển khai phát động với chủ đề: “Hướng về cơ sở, Công đoàn đồng hành với người sử dụng lao động, tham gia giải quyết việc làm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh”.
Tháng Công nhân năm 2013 sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nội dung chính như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ, tập trung là Luật Công đoàn, Luật Lao động (sửa đổi), thành lập câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật; tổ chức “Ngày pháp luật”.
Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động ở các DN; các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.
Các CĐCS ở DN tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo DN với người lao động để “Nghe công nhân nói, nói công nhân nghe”; thực hiện chương trình “Cùng công nhân vượt khó”; phát động phong trào “Tháng lao động giỏi”; tập trung thành cao trào, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đợt 1-5 và 19-5; giới thiệu CNLĐ, đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp trong Tháng Công nhân.
Chăm lo đời sống CNLĐ là việc làm thiết thực nhằm hướng sản xuất ổn định, phát triển bền vững. Tuy hiện nay nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, biến động, song việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động là cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định.
Song song đó, mỗi công nhân cũng phải đóng góp hết sức mình vào việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị, cùng san sẻ, đồng cảm với những khó khăn chung của doanh nghiệp nhằm thể hiện trách nhiệm và quyền lợi giữa hai bên một cách bền vững.
PHƯƠNG NGHI
Mở căn tin bán giá ưu đãi cho công nhân Ngày 29-4, bà Hồ Thị Kim Hồng, Chủ tịch Côg đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang (KCN Tân Hương) cho biết, hiện tại công ty đã mở hẳn một căn tin mang tên “Căn tin Công đoàn” phục vụ bán hàng giá ưu đãi cho công nhân của công ty. Khi CĐCS công ty đề xuất lấy khoảng đất trống dự kiến sẽ xây nhà nấu ăn cho Ban Giám đốc công ty để mở căn tin, Ban Giám đốc công ty không những đồng ý mà còn hỗ trợ cho công đoàn 100 triệu đồng xây căn tin (rộng hơn 36m2) và đầu tư mua sắm hàng hóa phục vụ công nhân. Hiện Căn tin Công đoàn của Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang không chỉ phục vụ thức ăn, nước uống mà còn bán khoảng 40 mặt hàng là những sản phẩm thiết yếu hàng ngày với giá ưu đãi. Một điểm mà theo bà Hồng người công nhân rất quan tâm, đó là họ mua hàng hóa tại căn tin này không phải trả tiền ngay mà được ghi nợ trừ vào tiền lương hàng tháng. Chính vì vậy mà căn tin mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng nhưng đã phục vụ hàng trăm lượt công nhân đến mua sắm. |