Chương trình Giảm nghèo-Việc làm: 9 chỉ tiêu và 4 nhóm giải pháp năm 2013
Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện Chương trình Giảm nghèo - Việc làm xây dựng Kế hoạch năm 2013 với 9 chỉ tiêu và đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp có liên quan.
Ngày càng có nhiều người lao động được tạo việc làm trong các khu, cụm công nghiệp. |
9 chỉ tiêu cụ thể: Tập trung các giải pháp trợ giúp, tạo điều kiện cho 7.000 hộ nghèo thoát nghèo; Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6,5% vào cuối năm 2013 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); Hỗ trợ dạy nghề cho 2.500 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo; Hỗ trợ cho 14.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội;
Tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật cho 10.000 lượt người nghèo; Miễn, giảm học phí cho 100% học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh vùng khó khăn theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo;
Thực hiện hiệu quả Dự án Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và huyện khó khăn Tân Phú Đông; Trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% người nghèo có nhu cầu trợ giúp pháp lý; Tập huấn nâng cao năng lực cho 1.500 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo 3 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện Chương trình Giảm nghèo - Việc làm năm 2013: Một là: Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm thực hiện định kỳ, góp phần kết nối cung - cầu lao động, nhất là hỗ trợ người lao động mất việc tìm lại việc làm. Ngoài ra, Trung tâm Giới thiệu việc làm tiếp tục phối hợp với các địa phương, trường nghề tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Về nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm: Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND, Phòng LĐ-TB&XH các huyện (thành, thị) nhanh chóng thẩm định, phê duyệt dự án để giải ngân nguồn vốn ngay từ đầu năm. Giải quyết việc làm bằng con đường xuất khẩu lao động phải quan tâm đến hướng đưa lao động sang các thị trường có thu nhập cao. Ngoài ra, hết sức cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trong xuất khẩu lao động. Hai là: Trong lĩnh vực dạy nghề, cần xác định đào tạo nghề là giải pháp cơ bản để thoát nghèo bền vững. Cũng cần nhận thức rõ về chủ trương chuyển mạnh việc dạy nghề theo nhu cầu doanh nghiệp là một chủ trương lớn. Đây là xu thế của hầu hết các nước hiện nay là chuyển mạnh việc dạy nghề từ “hướng cung” sang “hướng cầu”. Ba là: Về các giải pháp giảm nghèo phải gắn chặt với dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu 7.000 hộ thoát nghèo trong toàn tỉnh. |
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu này, Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện Chương trình Giảm nghèo - Việc làm đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo.
Đối với hộ đã thoát nghèo còn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng tín dụng thì vẫn tiếp tục được hưởng chính sách này đến hết thời hạn hợp đồng.
Tiếp tục thực hiện cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên. Ưu tiên hỗ trợ vốn vay tạo việc làm tại chỗ gắn với dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho người nghèo gắn với việc làm.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép về đối tượng, địa bàn, nguồn lực với các chương trình: khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, dạy nghề cho người nghèo, cho lao động xuất khẩu, dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, dạy nghề cho người khuyết tật…;
Ưu tiên nguồn lực, đầu tư cơ sở trường, lớp, thiết bị dạy nghề cho xã đặc biệt khó khăn; gắn dạy nghề với tạo việc làm cho người lao động.
Thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến ngư miễn phí cho hộ nghèo. Tập trung thực hiện công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư cho hộ nghèo gắn với chính sách tín dụng ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo. Chọn mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục như: miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Song song đó, tiếp tục hỗ trợ về y tế thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí cấp phát thuốc, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cận nghèo, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn II (2013 -
2015) của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường bằng nhiều giải pháp phù hợp, giải quyết đủ nước sạch sinh hoạt cho người dân các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo. Triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý đối với người nghèo; tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tư pháp xã, tổ hòa giải, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã.
Thứ hai: Huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo. Thông qua Mặt trận, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí cho quỹ “Ngày vì người nghèo” nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ học bổng, xe lăn, xe lắc, phẫu thuật tim, tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, vận động xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và các nguồn vốn đầu tư giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Thứ ba, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và huyện khó khăn Tân Phú Đông.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực giảm nghèo. Triển khai các hoạt động truyền thông với các hình thức: Tổ chức tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, cung cấp tài liệu cho người nghèo. Nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ các cấp thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo. Tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo các cấp.
Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, từng địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch giảm nghèo năm 2013 với những giải pháp cụ thể trên cơ sở phân loại hộ nghèo và việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Định kỳ 6 tháng, cuối năm có sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình. Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động và phân công nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo - Việc làm các cấp, bảo đảm quản lý, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Chương trình Giảm nghèo - Việc làm năm 2013.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ giảm nghèo các cấp.
Theo phân công của Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện Chương trình Giảm nghèo - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh điều phối hoạt động giảm nghèo và việc làm.
Chủ trì thực hiện các chính sách dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo; có trách nhiệm phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân gắn với tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác giảm nghèo - việc làm cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động giảm nghèo. Hướng dẫn tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào tháng 10-2013.
THỦY HÀ