Thứ Hai, 20/05/2013, 15:44 (GMT+7)
.

Chuyện về người tiên phong khai phá vùng đất mới

Con đê bao ấp Mỹ Lộc (Thạnh Mỹ, Tân Phước) chạy thẳng băng như kẻ chỉ nối đầu phía bắc là kinh Bắc Đông với đầu phía nam là tuyến kinh 500. Nhờ con đê mới được hoàn thiện, ô đê bao ấp Mỹ Lộc đã khép kín bảo vệ 400 ha đất canh tác của bà con vùng đất mới vững vàng trước lũ lụt.

Anh Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Mỹ cho biết, từ khi tuyến đê trên được xây dựng, nhân dân trong xã rất phấn khởi nhờ ngăn lũ lụt hiệu quả, chủ động thời vụ sản xuất thắng lợi và tiêu thụ nông sản được giá.

Cụ thể như vụ đông xuân 2012-2013, rất nhiều hộ dân trong đê bao trúng đậm vụ khoai mỡ. Lúc cao điểm, khoai mỡ thu hoạch sớm bán được giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, nhiều nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng sau một vụ sản xuất bội thu. Tiêu biểu như ông Phan Văn Hùng, bà Nguyễn Thị Vàng, bà Phan Thị Thêm...

Bà Chín trên tuyến đê mới làm từ quỹ đất gia đình hiến cho nhà nước.
Bà Chín trên tuyến đê mới làm từ quỹ đất gia đình hiến cho Nhà nước.

Cuộc sống tốt đẹp hơn, bà con không quên sự tự nguyện của bà Chín, cư ngụ tại ấp Mỹ Lộc - người đã hiến toàn bộ đất để xây dựng con đê bề thế, vững chãi rộng 4m, cao 1,5 m và dài đến 500 m (tuyến đê có tổng diện tích xây dựng 2.000 m2 đất). Với giá thị trường hiện nay khoảng 60 triệu đồng/ công đất (1.000 m2) thì số đất trên tương đương 120 triệu đồng- một khoản tiền rất lớn đối với những nông dân lam lũ một nắng hai sương trên miền đất mới.

Bà Chín tên thật là Phan Thị Thêm, sinh năm 1953, vốn quê gốc tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Bà cũng là người tiên phong vào vùng Thạnh Mỹ khai hoang sản xuất. Bà Chín kể, mình vào lập nghiệp tại ven bờ kinh Bắc Đông, nằm sâu trong Đồng Tháp Mười (nay thuộc ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ) từ năm 1976.

Lúc đầu, bà nhận 3,5 ha đất do Nhà nước cấp. Sau hơn 30 năm bám trụ khai thác giữa muôn vàn gian khổ, rồi nhiều lần hiến đất làm đường sá, làm đê bao, làm các công trình công ích khác của xã, diện tích sản xuất giảm xuống còn khoảng 3 ha nhưng bù lại, đất đai không còn hoang hóa, nhiễm phèn nặng; thay vào đó là màu xanh của khóm, khoai mỡ, đậu phộng sinh sôi mang lại cho chủ nhân một nguồn lợi kinh tế lớn, giúp cuộc sống của bà mỗi ngày thêm ổn định, khấm khá hơn.

Bà kể, những năm đầu tiên vào đây, đường sá giao thông không có, đất rộng, người thưa, đồng không mông quạnh... Mùa khô, kinh mương cạn, bị cỏ rác phủ kín nên phải chống xuồng đi lại rất vất vả. Đến mùa lũ lụt thì nước dâng lai láng, nhà cửa ngập hết, lại ngập rất sâu nên cả gia đình phải bồng bế chạy lũ cực khổ trăm bề. Để ổn định cuộc sống, ngoài khai khẩn đất hoang trồng trọt, cả gia đình còn phải đi giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lợp bắt cá cải thiện hoặc nhổ bàng cung ứng cho các cơ sở đan nón, giỏ bàng...

Sau 37 năm miệt mài khai phá, ngày nay bà Chín đã có một cơ ngơi khá bề thế gồm một ngôi nhà xây kiên cố, 1 ha đất trồng khoai mỡ luân vụ với đậu phộng, 1,5 ha đất trồng khóm, còn lại quanh nhà trồng chuối, mướp, bầu, cây ăn trái. Năm qua gia đình bà thu hàng trăm triệu đồng tiền bán hoa màu, cây trái, nông sản.

Anh Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Mỹ đánh giá, nhờ ô đê bao trên, xã không còn phải lo lũ lụt gây hại hàng năm nữa. Nhờ vậy, bà con chủ động khai thác tiềm năng đất đai, lao động, chuyển đổi sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để sản xuất làm giàu. Rõ nhất là hiệu quả trồng khoai mỡ sớm, trồng khóm xuất khẩu trong ô đê bao Mỹ Lộc.

Thông thường, khoai mỡ sau khi nước lũ rút đi (tháng 9-10) mới có thể xuống giống. Do xuống giống trễ, thu hoạch rộ vào tháng 5, 6 năm sau nên điệp khúc “trúng mùa, mất giá” cứ lập, đi lập lại gây thiệt hại lớn cho bà con.

Ngày nay, nhờ có đê bao hoàn thiện, nông dân chủ động xuống giống sớm vào khoảng đầu tháng 8 và cho thu hoạch vào đầu năm sau, sớm hơn khoảng 2 tháng nên được mùa, được giá. Đơn cử như vụ khoai mỡ sớm năm 2013, giá bán có lúc đạt 20.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần chính vụ, nông dân lời rất nhiều.

Còn khóm, từ khi có đê bao hoàn thiện, nông dân an tâm mở rộng diện tích, tích cực thâm canh không còn phải lo lắng nước lũ nhấn chìm gây thiệt hại lớn như thời gian qua. Khóm và khoai mỡ đã được xác định là những cây trồng chủ lực giúp bà con miền đất mới dựng nên cơ nghiệp vững vàng.

Trong thành quả đạt được càng trân trọng sự đóng góp của bà Chín. Không chỉ hiến đất làm ô đê bao, bà Chín còn đi tiên phong hiến đất mở rộng tuyến đường nối liền xã Thạnh Mỹ với xã Tân Hòa Đông. Nhờ con đường này, việc giao thương, đi lại, buôn bán và tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, bà Phan Thị Thêm xứng đáng được vinh danh là hạt nhân điển hình chung tay xây dựng Đồng Tháp Mười.

MỘNG TUYẾT
 

.
.
.