Một doanh nghiệp quan tâm sử dụng lao động khuyết tật
Trước tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng, vẫn có những doanh nghiệp mở rộng cánh cửa việc làm cho người khuyết tật. Trong khả năng của mình, công nhân khuyết tật đã vượt qua trở ngại khiếm khuyết, nỗ lực làm việc, đóng góp cho doanh nghiệp. Điển hình như tại Công ty TNHH MTV Phan Thái Tuấn (khu phố 5, thị trấn Cai Lậy).
Chị Âu Thị Mỹ Hiền |
Đến tổ cắt của Công ty TNHH MTV Phan Thái Tuấn trong giờ làm việc, ở bàn đánh số thứ tự, chị Âu Thị Mỹ Hiền vẫn miệt mài với công việc cùng 3 công nhân khác. Thỉnh thoảng, chị rời nơi đang làm, đến lấy những chồng vải đã được cắt, xếp cẩn thận ở gần đó bằng những bước đi khập khiễng.
Bị teo cơ chân trái từ nhỏ sau một cơn sốt bại liệt, ảnh hưởng đến khả năng vận động nhưng chị Hiền vẫn cố gắng tìm việc làm để tự lo cho bản thân. Trước đây, chị có công việc ổn định tại một cơ sở thêu ở TP. Hồ Chí Minh nên khi chuyển về quê chồng ở xã Tân Hội (huyện Cai Lậy) chị khá âu lo vì không phải doanh nghiệp nào cũng nhận công nhân khuyết tật.
Chị bộc bạch: “Người khuyết tật tìm kiếm việc làm đã khó, tìm một công việc phù hợp và được đối xử bình đẳng càng khó hơn. Công việc công ty bố trí vừa phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi vừa được các đồng nghiệp quan tâm hỗ trợ nên tôi rất mừng”. Hiện nay, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng, chị Hiền đã có thể cùng chồng tạo điều kiện sống tốt hơn cho gia đình.
Cùng thời gian đó tại xưởng may, anh Phạm Hồng Đậm đang thao tác thuần thục trên chiếc máy may công nghiệp đã được điều chỉnh chân máy cho phù hợp. Hai chân vận động yếu vì di chứng của cơn sốt bại liệt lúc 5 tháng tuổi, phải di chuyển bằng nạng nhưng sau hơn một năm làm việc, anh Đậm được đánh giá rất cao về tinh thần vượt khó.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở ấp Mỹ Đa, xã Mỹ Hạnh Trung, chỉ có 2 công ruộng là nguồn thu nhập chính nên kinh tế gia đình anh Đậm khá khó khăn. Trước đây, anh cũng xin việc nhiều chỗ nhưng công việc không lâu dài vì điều kiện gia đình neo đơn và sức khỏe hạn chế.
Khi được Công ty TNHH MTV Phan Thái Tuấn nhận vào làm việc và đào tạo nghề may, anh Đậm cho biết mình rất may mắn. Anh nói: “Dù số lượng sản phẩm không đạt như các công nhân khác nhưng với thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng, tôi đã có thể tự lo cho bản thân. Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể học nghề, có được công việc ổn định như bây giờ”.
Nói về việc thu nhận công nhân khuyết tật vào làm việc, anh Phan Khắc Lĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phan Thái Tuấn cho rằng quan điểm của công ty là đối xử bình đẳng, sắp xếp họ làm việc ở những bộ phận phù hợp với sức khỏe. Nhờ vậy, dù khiếm khuyết về thể trạng nhưng bằng sự cầu tiến, cố gắng, công nhân khuyết tật làm việc rất tích cực và được trả lương tương xứng với sức lao động.
Anh Lĩnh nhận xét: “Nhà khá xa công ty nhưng anh Đậm, chị Hiền luôn tuân thủ nội qui, giờ giấc làm việc và làm việc rất nghiêm túc. Đây là những tấm gương vượt khó đáng biểu dương và tạo niềm tin cho chúng tôi khi thu nhận công nhân khuyết tật. Trong điều kiện có thể, chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới sẽ nhận thêm người khuyết tật vào làm việc, tạo cơ hội để họ ổn định cuộc sống”.
TRƯỜNG GIANG