Một mô hình thiết thực hiệu quả do phụ nữ đảm trách
Tháng 6-2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy chọn xã Bình Phú làm điểm thực hiện mô hình “Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và an toàn giao thông”. Bước đầu, mô hình đã phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của chị em với việc tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình chấp hành pháp luật, góp sức cùng xã giữ vững danh hiệu Xã An toàn về an ninh trật tự.
Ban Chấp hành Hội LHPN xã Bình Phú bàn luận về nội dung tuyên truyền cho một buổi sinh hoạt. |
Sau 6 tháng thực hiện tại ấp điểm Bình Hưng với 120 thành viên đăng ký tham gia, hoạt động tuyên truyền đã được Hội LHPN xã Bình Phú kết hợp ngành Công an triển khai hiệu quả.
Theo Hội LHPN xã Bình Phú, hàng tháng, tại các kỳ sinh hoạt, chị em được cán bộ chi hội thông tin tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tuyên truyền các văn bản luật, các chuyên đề cảnh giác hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới; kỹ năng chia sẻ, vận động người thân vi phạm pháp luật sửa đổi, vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.
Nhận thức của chị em được nâng lên rõ rệt qua việc giáo dục con em chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, không tụ tập băng nhóm, nhậu say gây mất trật tự công cộng, không tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, đá gà… Đặc biệt, cán bộ, hội viên phụ nữ luôn ý thức gương mẫu để làm nòng cốt trong tuyên truyền và nhân rộng mô hình.
Qua tổng kết, 100% gia đình các thành viên không có người thân vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông; trên 97% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Từ thành công tại ấp điểm, năm 2013 “Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và an toàn giao thông” đã được nhân rộng ra 11 ấp với 270 thành viên đăng ký.
Chị Trần Thị Cẩm Vân, hội viên phụ nữ ấp Bình Thạnh chia sẻ: “Giờ thì tôi hiểu chỉ cần vài câu nhắc nhở nhẹ nhàng đội nón bảo hiểm, đem theo giấy tờ xe trước khi ra đường hay quan tâm hơn đến giờ giấc học tập, sinh hoạt của con… là mình đã chủ động bảo vệ gia đình và góp phần để bảo vệ an ninh trật tự xóm, ấp”.
Thông qua các buổi sinh hoạt, cán bộ Hội còn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các thành viên để hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần. Đối với các thành viên có người thân vi phạm pháp luật hay mắc các tệ nạn xã hội, chị em trong tổ thường xuyên gặp gỡ, động viên và giúp đỡ họ. Thành viên có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN xã Bình Phú hỗ trợ vay vốn cải thiện cuộc sống, giới thiệu việc làm.
Cách sinh hoạt bài bản, thiết thực, mô hình đã xây dựng mối quan hệ khắng khít giữa cha mẹ và con cái, nhất là những gia đình có người thân vi phạm pháp luật, từng bước giúp người vi phạm trở lại con đường lương thiện.
Điển hình như chị Nguyễn Thị T. ở ấp Bình Tịnh. Trước đây bị bạn bè xấu rủ rê, con trai chị thường xuyên tụ tập băng nhóm nhậu say gây rối. Qua sinh hoạt “Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và an toàn giao thông”, được trang bị những kỹ năng cần thiết, chị dành thời gian quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với con. Niềm vui đã trở lại với gia đình chị T. khi con trai chị từ bỏ bạn bè xấu, có việc làm ổn định tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh và biết dành dụm để phụ giúp gia đình.
Bà Lê Thị Hồng Nhiệm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cai Lậy cho biết: “Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và an toàn giao thông“ là mô hình chỉ đạo điểm của Hội LHPN huyện Cai Lậy, góp phần thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/NQLT giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, động viên các gia đình tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Từ hiệu quả của mô hình tại xã Bình Phú, Hội LHPN huyện đang có kế hoạch nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn trong thời gian tới”.
QUẾ NGÂN