Thứ Năm, 30/05/2013, 05:46 (GMT+7)
.

Nỗ lực thoát nghèo và tình trạng “nghèo lại hoàn nghèo”

Tiền Giang hiện có 35.658 hộ nghèo, chiếm 8,03% dân số tỉnh, nếu so với cuối năm 2011 thì trong năm qua có 8.851 hộ thoát nghèo nhưng cũng có trên 2 ngàn hộ tái nghèo. Vì vậy trong nỗ lực chung và ý thức của từng hộ vươn lên thoát nghèo vẫn còn tình trạng “nghèo lại hoàn nghèo” - một vấn đề không đơn giản.

Sàn giao dịch việc làm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Sàn giao dịch việc làm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

NGƯỜI NGHÈO ĐƯỢC THỤ HƯỞNG

Từ các chính sách của Nhà nước, người nghèo luôn nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt như được vay vốn ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn mới, dạy nghề miễn phí, hỗ trợ y tế, giáo dục…

Cụ thể tại Tiền Giang, chỉ tính trong năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 32.081 lượt hộ nghèo vay 250 tỷ đồng, 6.385 lượt học sinh-sinh viên vay 126 tỷ đồng để chi phí học tập. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp ban chỉ đạo giảm nghèo ở cấp xã tổ chức 3.128 cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật, “bày” cách làm ăn mới cho 70.706 lượt người thuộc hộ nghèo.

Năm 2011-2012, ngành Y tế mua và cấp 339.871 thẻ BHYT cho người nghèo với kinh phí 163 tỷ đồng. Ngành Giáo dục miễn, giảm học phí cho 49.212 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo với kinh phí 12,8 tỷ đồng. Ngành LĐ,TB&XH cấp tiền hỗ trợ chi phí học tập cho 80.291 con em thuộc diện hộ nghèo với tổng kinh phí 26 tỷ đồng.

Để giúp hộ nghèo có chốn an cư, trong 3 năm 2009-2011, tỉnh đã hỗ trợ hộ nghèo xây 10.548 căn nhà, cơ bản hoàn thành Đề án 167. Riêng năm 2012 tỉnh quyết định hỗ trợ xây dựng thêm 4.754 căn nhà cho hộ nghèo (trong đó có 878 nhà ở của hộ nghèo đã được vay trên 7 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội), chỉ còn 58 căn chưa khởi công do hộ nghèo không có đất nên chưa xây dựng.

Đặc biệt trong năm qua tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 4.450 lao động thuộc diện hộ nghèo (chiếm hơn 1/3 tổng số lao động được hỗ trợ dạy nghề), người nghèo đi học được chi tiền ăn, tiền đi lại. Theo đánh giá của chính quyền cơ sở thì đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo chính là một “mũi giáp công chính” trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Cụ thể, qua kết quả khảo sát cho thấy, đối với lao động nông thôn (trong đó có hộ nghèo) đã được hỗ trợ dạy nghề sau 1 năm thì có 7,6% có việc làm mới, 31% đã thay đổi việc làm theo nghề mới học, 74% ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất và 72,7% đã tăng thêm thu nhập với mức khoảng 240 ngàn đồng/tháng đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp và 1,5 triệu đồng/tháng đối với lao động học nghề phi nông nghiệp.

Ngoài ra, đối với người nghèo (nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) thì việc trợ giúp dân nghèo liên quan các vấn đề pháp luật cũng được xem là “cứu cánh” cho bà con giải quyết được nhiều chuyện trái ngang hoặc mâu thuẫn, tranh chấp ở nông thôn: Trong năm qua, thông qua các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các hình thức trợ giúp lưu động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ pháp lý cho 386 người thuộc hộ nghèo, giúp người dân ở các xã nghèo hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong giải quyết các mối quan hệ liên quan đến đời sống xã hội, kể cả nắm bắt các thủ tục cần thiết để hộ nghèo tiếp cận, thụ hưởng chính sách giảm nghèo của Nhà nước.

Các chính sách an sinh xã hội khác cũng được tỉnh chỉ đạo các địa phương làm tốt như thực thi Quyết định 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo (năm 2011-2012 đã chi cho hơn 143.000 hộ nghèo, tổng số tiền trên 28 tỷ đồng); chi trợ cấp khó khăn cho 47.988 hộ nghèo theo Quyết định 471/QĐ-TTg (mức 250.000 đồng/hộ) với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng; lo tết cho hộ nghèo hàng chục tỷ đồng mỗi năm…

Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ trực tiếp tiền đến tay người nghèo, tỉnh còn triển khai các biện pháp hỗ trợ gián tiếp khác như tranh thủ Trung ương đầu tư 21,3 tỷ đồng cho huyện Tân Phú Đông trong năm 2012 (trước đó huyện này đã được Chính phủ cho áp dụng cơ chế dành cho huyện nghèo như Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP).

Số tiền này đã được đưa vào xây dựng các công trình cầu, đường giao thông liên xã; hỗ trợ 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển cho 10 xã; các xã đã dùng kinh phí này xây 26 công trình cầu, đường, góp phần tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có hộ nghèo.

Công tác truyền thông giảm nghèo cũng được tập trung chỉ đạo, nhất là phổ biến gương điển hình, cách làm thoát nghèo hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả, giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung, các biện pháp giảm nghèo, đặc biệt là người nghèo nắm bắt được chính sách hỗ trợ của nhà nước để tận dụng cơ hội cho mình trong quá trình vươn lên thoát nghèo.

Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… bằng các cách riêng của mình, thông qua các phong trào như “Nông dân vượt khó thoát nghèo”, “Cựu chiến binh vượt khó thoát nghèo” giúp vốn, cây, con giống cho nhau,các dự án tín dụng vi mô dành cho đối tượng chủ yếu là phụ nữ - nhất là phụ nữ đơn thân, phong trào đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp... cũng đã giúp hàng trăm đoàn viên, hội viên vượt qua cái nghèo, thậm chí đã thành hộ giàu bằng chính ý chí quyết tâm của họ.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Phong, hội viên phụ nữ ấp 11 (Long Trung, Cai Lậy) là một trong nhiều tấm gương vượt khó, từ chỗ cuộc sống thiếu thốn đủ bề, không có nhà để ở phải tạm tá túc nhà của người anh chồng khi mới ra riêng, nhờ ý chí vươn lên cộng với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, đến nay chị đã có được 2 công sầu riêng chất lượng cao cho thu nhập xấp xỉ 150 triệu đồng/năm, giúp chị có đất, có nhà và lo cho các con ăn học đàng hoàng.

Hay như cựu chiến binh Phan Văn Tiện ngụ ấp Hòa Thân (Bình Đông, TX. Gò Công) cũng là một trong rất nhiều gương mặt cựu chiến binh vượt khó thoát nghèo bằng chính bản lĩnh “anh bộ đội cụ Hồ”. Trước đây khi ra riêng anh chị chỉ có căn nhà dột nát, quyết tâm vượt qua đói nghèo, ngoài làm lúa, thời gian nông nhàn anh tranh thủ chạy “xe ôm” hay đi bơm nước cho bà con, còn vợ anh phụ chồng bán gạo kiếm thêm tiền chi phí sinh hoạt gia đình; giờ đây, cuộc sống gia đình khá giả, 3 người con của anh đều là học sinh giỏi, bản thân anh cũng đang là “nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” nhiều năm liền…

Và còn rất nhiều hội viên các đoàn thể, các cựu chiến binh đã vươn lên thoát nghèo bằng chính ý chí và nghị lực của mình.

GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG “NGHÈO LẠI HOÀN NGHÈO”

Đánh giá về mặt hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, một lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng công tác tuyên truyền tuy được quan tâm nhưng nhìn chung nơi nầy, nơi nọ cũng còn những mặt hạn chế.

Thực tế cho thấy một bộ phận người nghèo vẫn còn chủ quan, ỷ lại, trông chờ sự trợ giúp của Nhà nước, của nhà hảo tâm, thiếu ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo (có được sổ hộ nghèo mừng như được “sổ gạo” thời bao cấp), chính điều này là rào cản trong công tác giảm nghèo, thậm chí là “yếu tố quyết định” đến một số lượng hộ nghèo hàng năm cứ trồi sụt theo vòng luẩn quẩn “nghèo lại hoàn nghèo”.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy mức vốn vay và thời gian vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chỉ ở mức độ nhất định, đồng vốn tới tay người nghèo nhưng có khi lại không kèm với hướng dẫn kiến thức, cách làm từ các đơn vị chức năng, các đoàn thể nên không ít hộ nghèo đành “tự tính toán” đã dẫn đến sử dụng sai mục đích, thậm chí “tiêu” sạch vốn.

Đối với công tác xuất khẩu lao động thì việc tuyên truyền còn yếu, một số nơi chính quyền và các đoàn thể ở xã chưa thật sự “vào cuộc”, thiếu chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến hộ nghèo, hộ có nhiều lao động thiếu việc làm; công tác giám sát việc thực hiện các cơ chế hỗ trợ giảm nghèo tuy có thực thi nhưng chưa thật toàn diện, bao quát đầy đủ đến từng đối tượng…

Rõ ràng, chính sách hỗ trợ người nghèo không ít, nhưng để “cái nào rơi đúng thời điểm cần thiết” là một vấn đề không đơn giản chút nào. Thực tế cho thấy, việc dạy nghề hoặc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật xong, đến hướng dẫn vay vốn, có vốn, có nghề rồi thì nếu cần thiết cán bộ kỹ thuật có thể tiếp tục “cầm tay chỉ việc” thời gian đầu để đồng vốn của hộ nghèo sinh lợi… Quy trình này chỉ cần đi ngược lại một chút, ví dụ người nghèo vay được vốn nhưng chưa được học nghề hoặc chưa được hướng dẫn kỹ thuật làm ăn là coi như vốn dễ… đi đứt!

Ngoài ra, công tác tuyên truyền không chỉ dành cho hộ nghèo mà còn cần làm tốt đến các hộ cận hộ nghèo, bởi  “nhất cận thân, nhì cận lân”, sự giúp đỡ của bà con chung quanh cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng, chính “người hàng xóm” mới biết rõ thực lực (hoàn cảnh) và qua đó có thể đưa ra gợi ý cho chính quyền cơ sở.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo xóa nghèo xã có thể giúp bằng cách là “khách hàng” để hộ nghèo mua bán có đồng ra đồng vô… Đặc biệt, chính các người đã từng nghèo nay đã thành hộ khá, giàu sẽ là những mô hình người thật - việc thật tuyên truyền hiệu quả nhất.

Với phương châm “dùng quần chúng giáo dục, hướng dẫn quần chúng” thì những người này sẽ nói và làm có tính thuyết phục rất cao, biết cách giúp đỡ sát sườn những hộ nghèo là thành viên của đoàn thể mình đang tham gia cùng làm theo mình… Nói chung là không thiếu cách thức từ chính quyền, đoàn thể cho đến cộng đồng dân cư hỗ trợ cho người nghèo vượt khó, quan trọng là phải có đầu mối xâu kết lại các vấn đề này.

Thiết nghĩ, vấn đề căn cơ là muốn công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thì chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng phải làm sao để chính hộ nghèo thật sự có ý chí tự lực - tự cường - tự giác, khi đó mọi chính sách khác tự khắc sẽ trở thành đòn bẩy, là “cần câu” đầy hiệu quả để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.