Thứ Hai, 13/05/2013, 21:30 (GMT+7)
.

Tân Phước: Nỗ lực giảm nghèo bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả

Trong những năm đầu thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Phước luôn ở mức cao, có xã tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Chính vì vậy, trong 19 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

dd
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giúp cho nông dân thoát nghèo.

Thạnh Mỹ là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Nguyên nhân là do xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, hàng năm phải chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Trong khi giai đoạn từ năm 1999-2010, toàn xã chỉ có 4 ô đê bao để trồng khóm. Diện tích ngoài ô đê bao trồng tràm, khoai mỡ, khóm chạy lũ… nên thu nhập rất bấp bênh.

Bên cạnh đó, trồng tràm lâu cho thu hoạch, mà giá tràm thì sụt giảm, khiến cho cuộc sống của những hộ trồng tràm hết sức khó khăn. Chính vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được lãnh đạo xã đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Trương Thanh Hoàng cho biết: Đầu năm, Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã giao chỉ tiêu hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo cho lãnh đạo các ấp, ban, ngành, hội, đoàn thể. Sau khi được giao chỉ tiêu, lãnh đạo ấp, ban ngành, hội, đoàn thể tiếp cận với hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư nguyện vọng, từ đó có hướng hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.

Đối với những hộ cần vốn để sản xuất, chăn nuôi thì giúp đỡ để họ được tiếp cận với nguồn vốn vay. Đối với những hộ cần cây, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì vận động cộng đồng bán trả chậm cây, con giống. Đối với những hộ có nhu cầu học nghề thì tạo điều kiện cho họ tham dự các lớp dạy nghề lao động nông thôn. Đối với những hộ chăn nuôi, trồng trọt thì mời đến dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật.

Bên cạnh thực hiện những giải pháp trên, các ban, ngành, hội, đoàn thể của xã Thạnh Mỹ còn phối hợp với Ủy ban MTTQ xã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài xã tặng quà nhân các dịp lễ, tết để “hà hơi tiếp sức” giúp nông dân thoát nghèo.

Trung bình mỗi năm xã đã giúp cho khoảng 50 hộ thoát nghèo, riêng năm 2011 có 70 hộ thoát nghèo, năm 2012 là 60 hộ. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm. Cụ thể, đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 54,6%; đầu năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 42,81% và đến đầu năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 33,28%.

Xã Thạnh Tân cũng thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Phó Chủ tịch, Trưởng Ban xóa đói giảm nghèo xã Thạnh Tân Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ: Lãnh đạo xã xác định, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã. Chính vì vậy, trong thời gian qua Thạnh Tân đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, nhằm giúp cho nông dân an cư lạc nghiệp trên vùng đất trũng nhiễm phèn nặng.

Để giúp các hộ khó khăn thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của xã đã có nhiều giải pháp như giúp cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay, thành lập các tổ góp vốn xoay vòng để giúp nhau phát triển kinh tế, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài xã tặng quà, phát học bổng cho con em gia đình khó khăn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật…

Qua thực hiện các giải pháp đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm. Cụ thể trong những năm đầu khi mới thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo của Thạnh Tân là 86%, thì đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 30%.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước Nguyễn Văn Tài cho biết: Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nên hàng năm đã có hàng trăm hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Cụ thể, năm 2008 toàn huyện có 277 hộ thoát nghèo, năm 2009 là 413 hộ, năm 2010: 300 hộ, năm 2011: 495 hộ và năm 2012 là 497 hộ. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã liên tục giảm trong những năm qua.

Đầu năm 2006, Tân Phước có đến 3.450 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,23%; đến cuối năm 2007, còn 2.433 hộ, chiếm tỷ lệ 18,26%, cuối năm 2008 còn 2.223/13.630 hộ, chiếm tỷ lệ 16,3%. Và hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 14,53%.  

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ tái nghèo của huyện còn ở mức cao. Nguyên nhân là do cây tràm kém hiệu quả, thời gian cho thu hoạch chậm. Vì vậy, các hộ trồng tràm chủ yếu sống bằng nghề làm mướn, chăn nuôi… nên dù địa phương cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ nhưng vẫn thoát nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Để giúp cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững, giải pháp căn cơ nhất chính là giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, từ cây tràm kém hiệu quả sang cây khóm. Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Nếu không có giải pháp để giúp nông dân chuyển đổi cây tràm kém hiệu quả sang cây khóm thì nông dân khó thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, lãnh đạo huyện đã quyết tâm thực hiện dự án xây dựng ô đê bao để chuyển đổi 2.035 ha tràm kém hiệu quả sang cây khóm. Đến nay, dự án đã hoàn tất, có khoảng 70% diện tích trồng tràm kém hiệu quả đã chuyển sang trồng khóm, trong đó có một số diện tích khóm đã cho thu hoạch.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Mẫn khẳng định: Khi 2.035 ha tràm kém hiệu quả chuyển sang trồng khóm, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm và hạn chế tình trạng tái nghèo.

T. TẤN

.
.
.