Thứ Tư, 01/05/2013, 14:48 (GMT+7)
.

Từ 1-5, lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

“Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Đây là một nội dung được nhiều người quan tâm trong Bộ Luật Lao động bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-5.

Cũng theo quy định trong Bộ Luật, mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Tuy nhiên, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, lương tối thiểu trong quy định của Luật là phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, hiện nay theo báo cáo số liệu của thống kê thì mức lương tối thiểu mới đảm bảo được xấp xỉ 60% nhu cầu sống tối thiểu đó. Đây là việc hết sức khó khăn cho người lao động. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động nghiên cứu lộ trình tăng lương để đảm bảo đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

“Tuy nhiên, phương án đó khó thực hiện khi kinh tế đang rất khó khăn. Hai nữa là các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn với trả mức lương tối thiểu như hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần có lộ trình, với tinh thần tích cực nhất, chậm nhất đến năm 2017 phấn đấu mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, cũng phải chịu một chi phối nữa là khả năng phát triển của kinh tế đất nước, nếu vẫn khó khăn thì mục tiêu này cũng không phải dễ thực hiện”- Bộ trưởng Hải Chuyền nói.

Về hình thức trả lương, người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.

Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Ngoài ra, người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

(Theo vov.vn)

.
.
.