Xã Bình Tân (Gò Công Tây): Từng bước tháo gỡ khó khăn xây dựng NTM
Là xã có tỷ lệ hộ nghèo thuộc hàng cao nhất huyện Gò Công Tây, được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Tân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong xã và Bình Tân rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành.
Những khó khăn
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết, Bình Tân là xã nghèo của huyện Gò Công Tây, cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém. Phần lớn hộ dân sống bằng nghề nông, thủy sản với tỷ lệ chiếm đến 95%. Song, do diện tích đất sản xuất của nông hộ thấp nên đời sống phần lớn người dân còn nhiều khó khăn.
Theo ông Đức, mặc dù hơn 10 năm qua, nghề nuôi tôm phát triển mạnh trên vùng đất ven sông đã giúp phần nào cải thiện đời sống người dân nhưng do phần lớn người nuôi không tuân theo khuyến cáo, tự ai nấy làm nên còn rất bấp bênh, rủi ro cao.
Đối với sản xuất lúa, thủy lợi nội đồng từng bước được cải thiện, nguồn nước phục vụ sản xuất cơ bản khắc phục được, đảm bảo giữ được năng suất. Song, diện tích sản xuất manh mún, giá cả bấp bênh nên thu nhập của người dân không cao, thiếu ổn định.
GTNT ở Bình Tân dù từng bước được cứng hóa, nhựa hóa, dal hóa nhưng so với tiêu chí vẫn chưa đạt. |
Giao thông có thuận lợi cho đi lại và giao thương liên vùng do có tỉnh lộ 877 dài 3,5 km, huyện lộ 19 dài 3 km và huyện lộ 17 dài 2 km đã trải nhựa đi ngang qua địa bàn xã nhưng hệ thống giao thông nông thôn (GTNT), không đạt chuẩn NTM. Hiện nay, hầu hết các tuyến GTNT là đường dal hẹp, nhiều tuyến đường có chiều ngang chỉ từ 0,6-0,8 m, hoặc đường trải đá và đường đất.
Qua thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn trên 10%, có 159 hộ cận nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người còn khoảng cách rất xa so với tiêu chí. Với vị trí xã nằm giáp ranh với 3 huyện, 1 thị xã nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Ngoài ra, trên địa bàn có 6 nghĩa địa, việc sáp nhập các nghĩa địa thành nghĩa trang nhân dân để giải quyết tiêu chí môi trường sẽ không đơn giản.
Theo ông Đức, qua 2 năm xây dựng NTM, đời sống người dân còn khó khăn, bộ mặt nông thôn chưa khởi sắc. Qua điều tra, đánh giá, xã còn 14 tiêu chí chưa đạt và nhiều tiêu chí trong số đó đạt tỷ lệ rất thấp.
Cụ thể như tiêu chí giao thông chỉ đạt từ 40-50%, tiêu chí trường học đạt 50%, cơ sở vật chất văn hóa đạt 30%, chợ nông thôn đạt 50%, cơ cấu lao động đạt 51% và môi trường đạt 20-30% tiêu chí. Đặc biệt, thu nhập dù từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn khá thấp, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn khá cao so với tiêu chí đặt ra. Trong đó, có những tiêu chí xã xác định là rất khó thực hiện trong thời gian ngắn như: thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, môi trường.
Tháo gỡ từng bước
Đời sống người dân phần lớn còn khó khăn nên việc đóng góp tham gia của người dân vào xây dựng các công trình NTM rất hạn chế. Qua gần 2 năm triển khai chương trình, đồ án quy hoạch của xã được phê duyệt nhưng đề án vẫn còn trong quá trình chỉnh sửa, chờ thông qua và phê duyệt. Đến nay vẫn chưa được cấp vốn xây dựng NTM.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai chương trình, còn cán bộ, chi, tổ hội chưa quan tâm đến việc xây dựng NTM; một số người dân chưa am hiểu nên còn thắc mắc, chưa thông suốt nên khó vận động hiến đất để xây dựng GTNT.
Bình Tân là xã thuần nông nhưng sản xuất lúa còn rất bấp bênh, đời sống nông dân còn rất khó khăn. |
Trước những khó khăn, thời gian qua xã tập trung tuyên truyền và củng cố, nâng chất các tiêu chí không cần đến nguồn lực; tranh thủ các nguồn vốn khác nhau để triển khai đầu tư nâng dần cơ sở hạ tầng. Từ nguồn vốn phân cấp, vốn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, huyện và nhân dân đóng góp, thời gian qua xã đã nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa 4 tuyến đường GTNT, trong đó 3 tuyến trải dal rộng 2,5 m; 4 công trình thủy lợi nội đồng; 1 cầu; 1 công trình xây dựng trụ sở ấp; công trình bia căm thù và 2 trường tiểu học (Bình Tân 1 và Bình Tân 2 được xây dựng theo quy mô đạt chuẩn quốc gia). Hiện xã còn 17 tuyến đường GTNT cần được nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới.
Qua 2 năm xây dựng NTM, xã đã đạt thêm 2 tiêu chí, nâng số tiêu chí đạt về NTM lên con số 5, gồm: Thủy lợi, an ninh trật tự, giáo dục, văn hóa, y tế. Với chừng ấy, số tiêu chí đạt được vẫn còn thấp và xã đang nỗ lực nâng dần các tiêu chí còn lại.
Trước mắt, xã tập trung tổ chức lại sản xuất để nâng cao đời sống người dân. Cụ thể, xã chú trọng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau màu, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản nước lợ cặp sông ông Hựu và sông Cửa Tiểu, mở rộng Khu kinh tế Tân Long để tăng thu nhập cho người dân và phấn đấu đạt tiêu chí này vào năm 2015.
Xúc tiến thành lập tổ hợp tác nhân lúa giống, tổ hợp tác sản xuất rau sạch; từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng phân bố cây trồng, vật nuôi hợp lý trên những vùng đã quy hoạch để tăng tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất.
Đối với thủy sản, bên cạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xã tiếp tục vận động nhân dân nuôi tôm tuân thủ khuyến cáo của các ngành chức năng. Dù điều này không dễ thực hiện nhưng xã sẽ cố gắng để giảm thấp nhất những rủi ro cho người nuôi.
Đối với hộ nghèo, bằng nhiều hoạt động, chương trình, dự án, từ nay đến năm 2015 xã tranh thủ các nguồn lực, dự án, chương trình vào xây cất nhà tình thương cho các hộ nghèo thuộc các đối tượng theo Quyết định 167; thành lập nhiều dự án cho vay vốn thoát nghèo, quan tâm đầu tư thêm cho nông nghiệp, thương mại và dịch vụ để giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 7%.
“Để đạt mục tiêu xã NTM, Bình Tân xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại theo từng giai đoạn. Cụ thể, năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí; năm 2014 hoàn thành 2 tiêu chí; năm 2015 đạt thêm 2 tiêu chí để đến năm 2015 xã đạt tổng cộng 13 tiêu chí. Sau đó, xã hoàn thành các tiêu chí còn lại theo phân kỳ để hoàn thành cơ bản xã NTM vào năm 2020”- Ông Đức nói.
N.VĂN