Thứ Sáu, 14/06/2013, 10:47 (GMT+7)
.

Đào tạo nghề nông thôn gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp

Ngày 12-6, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị giao ban công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2013 khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch năm 2012 các tỉnh khu vực ĐNB và ĐBSCL tổ chức khoảng 1.680 lớp học đào tạo cho trên 70 ngàn lao động nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2012 mới đào tạo được trên 50 ngàn lao động học nghề nông nghiệp, đạt 71,68% chỉ tiêu kế hoạch, với kinh phí 79 tỷ đồng.

Phụ nữ xã Thanh Hòa (Cai Lậy) có được việc làm trong lúc nông nhàn sau khi tham gia lớp dạy nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ.
Phụ nữ xã Thanh Hòa (Cai Lậy) có được việc làm trong lúc nông nhàn sau khi tham gia lớp dạy nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo Tổng cục Dạy nghề (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), trong 3 năm (2010-2012), 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã hỗ trợ dạy nghề cho 311.556 lao động nông thôn, chiếm 28,6% so với cả nước. Trong đó có 303.289 lao động nông thôn học xong nghề và có 231.273 lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 76,3% (thấp hơn bình quân cả nước). Còn 6 tỉnh, thành phố vùng ĐNB đã hỗ trợ dạy nghề cho 81.451 lao động nông thôn, chiếm 7,5% so với cả nước. Trong đó có 72.010 lao động nông thôn học xong nghề và có 55.832 lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 77,5% (thấp hơn bình quân cả nước).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2012 toàn tỉnh đã chiêu sinh 65 lớp dạy nghề ngắn hạn nông nghiệp cho lao động nông thôn, với cơ cấu 11 nhóm nghề nông nghiệp được đào tạo. Kết quả có 1.901 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, trong đó có 1.858 lao động được cấp chứng chỉ nghề. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh mở 120 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó hiện có 82 lớp hoàn tất công tác chiêu sinh và đi vào giảng dạy là 37 lớp, còn lại 45 lớp đã và đang chuẩn bị khai giảng.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2013 các Sở NN&PTNT của các tỉnh khu vực ĐNB và ĐBSCL đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch được giao. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT các tỉnh ở 2 khu vực này thì tổng kinh phí được giao trên 78 tỷ đồng để tập trung đào tạo trên 67 ngàn lao động nông thôn học nghề nông nghiệp với tổng số lớp dự kiến là 2.247 lớp. Trong đó, có 17/21 Sở NN&PTNT đã được UBND tỉnh trực tiếp giao kinh phí để tổ chức thực hiện với tổng kinh phí 52,4 tỷ đồng. Nội dung đào tạo tập trung vào các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp của các xã trên địa bàn.

Để hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp 6 tháng cuối năm 2013, Bộ NN&PTNT đề nghị ngành Nông nghiệp các tỉnh lựa chọn cơ sở dạy nghề đảm bảo chất lượng, có đủ điều kiện tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; đào tạo gắn với mô hình sản xuất tiến bộ, lấy thực hành là chính. Đồng thời, các tỉnh cần tập trung dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới và các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, cánh đồng mẫu lớn, trang trại…

Bên cạnh đó, ưu tiên dạy các ngành, nghề chính, thiết thực theo quy hoạch của xã, của từng địa bàn trong tỉnh; lựa chọn đúng đối tượng học nghề, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học, là nông dân nòng cốt tại địa phương, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo…

P. NGHI

.
.
.