Thứ Tư, 26/06/2013, 16:16 (GMT+7)
.

Hai trường hợp từ bỏ ma túy, sống có ích cho đời

Khi xã hội mở rộng lòng nhân ái, thì những người từng lầm lỗi có cơ hội trở thành những công dân tốt, đóng góp sức mình cho xã hội. Anh Lâm Đức Hiệp, Trưởng Khu phố Chợ 1 (thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông) là một trường hợp như thế.

Anh Lâm Đức Hiệp (Vàm Láng - Gò Công Đông) đang cùng CSKV dán tờ bướm tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Anh Lâm Đức Hiệp (Vàm Láng - Gò Công Đông) đang cùng CSKV dán tờ bướm tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Gần 6 năm về trước, khi là sinh viên theo học tại TP. Hồ Chí Minh, do không làm chủ bản thân, nghe theo lời bạn bè xấu, anh đã sử dụng ma túy. Ban đầu thử cho biết, là để chứng tỏ bản lĩnh, rồi nghiện lúc nào không hay. Để có tiền, anh phải nói dối với cha mẹ đóng đủ loại tiền học phí. Một năm sau gia đình phát hiện, buộc anh phải về quê để cai nghiện.

Với quyết tâm làm lại cuộc đời và sự động viên của người thân, sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh không những đoạn tuyệt hẳn với ma túy mà còn là cá nhân tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương. Ban đầu anh được giới thiệu làm tổ trưởng Tổ liên danh vay vốn, rồi Bí thư Chi đoàn khu phố. Đặc biệt với sự nhiệt tình, năng nổ, tháng 11-2010, anh được tín nhiệm chọn làm trưởng khu phố kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố.

Qua hơn 2 năm làm trưởng khu phố, anh luôn tích cực cùng công an thị trấn Vàm Láng làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở khu phố, giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất. Đặc biệt, đối với những thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm anh luôn tích cực cùng Công an thị trấn tìm ra biện pháp để giáo dục, giúp đỡ. Bởi hơn ai hết, anh đã thấy được, biết được tác hại và hậu quả của ma túy đối với cuộc sống của con người như thế nào. Anh đã nỗ lực vận động những thanh thiếu niên, làm công tác tư tưởng, giải thích, khuyên răn… Nhờ đó, đã có một số thanh niên tiến bộ.

Với những đóng góp tích cực đó, tháng 5-2012, khu phố Chợ 1 được công nhận Khu phố Văn hóa. Anh tâm sự: “Vợ tôi luôn sát cánh bên tôi, chăm lo 2 con nhỏ, quán xuyến việc gia đình và luôn động viên tôi yên tâm tham gia vào công tác xã hội”. Thấu hiểu nỗi vất vả của vợ, anh luôn tranh thủ thời gian để có thể chia sẻ, giúp đỡ trong việc buôn bán, chăm sóc, đưa rước con đến trường. Thế nên, gia đình nhỏ của anh bao giờ cũng hạnh phúc và đầy ắp tiếng cười.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nương (Hòa Hưng, Cái Bè) cũng rất kiên trì để cùng chồng vượt qua những cơn vật vã của “cái chết trắng” suốt hơn 10 năm. Bà không cầm được nước mắt khi nhớ lại chuỗi ngày khó khăn và vất vả của 20 năm về trước.

Bà Nương tâm sự: “Thời gian ông nghiện ma túy, cả nhà khổ lắm, cơm không có cho con ăn nữa, có bao nhiêu tiền là ông gom đi chích, hút hết. Khuyên chồng mãi không được, tôi buồn dữ lắm, vừa tuyệt vọng, muốn bồng con bỏ đi cho ổng chết cho rồi. Suy nghĩ là thế, nhưng khi gia đình khuyên tôi nên đưa ông đi cải tạo, trường cai nghiện, tôi lại không đành lòng. Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, thế là ngày ngày tôi lại tiếp tục khuyên nhủ, giải thích cho ổng nghe từng chút một, cũng may mắn là ông nhà chịu nghe nên gia đình của tôi hôm nay mới được như thế này”.

Chính tình yêu thương, kiên trì nhưng cũng rất cứng rắn đó đã giúp cho người bạn đời của bà là ông Lê Minh Trí thoát khỏi ma túy.

Ông Lê Minh Trí (Hòa Hưng, Cái Bè) đang phụ giúp vợ lo việc gia đình.
Ông Lê Minh Trí (Hòa Hưng, Cái Bè) đang phụ giúp vợ lo việc gia đình.

Năm nay, ông đã ngoài 60  tuổi. Đến giờ nhắc lại, gia đình ông và cả chính ông vẫn còn ám ảnh: “Lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ tìm ra cách để có tiền hút thôi, “chơi” cử sáng thì nghĩ tới buổi trưa, chiều tối, không làm ăn gì hết. Đi tới đâu người ta cũng sợ, bà con, họ hàng, bạn bè xa lánh. Giờ bỏ được thấy rất thoải mái”.

Sau khi từ bỏ được ma túy, ông xin làm ở Nghiệp đoàn xe Honda ôm chở khách. Ông sống rất hòa đồng, có uy tín, được mọi người tín nhiệm, bầu làm Tổ trưởng Nghiệp đoàn xe Honda ôm chở khách. Ngoài  thời gian chạy xe Honda ôm, ông Trí còn phụ vợ trong việc kinh doanh, mua bán. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông dần ổn định và khá giả hơn.

Bên cạnh việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông còn tích cực tham gia công tác giữ gìn ANTT ở địa phương, nhất là số đối tượng nghiện, nếu phát hiện có biểu hiện nghi vấn ông đều báo để lực lượng công an theo dõi, có biện pháp giáo dục, giúp đỡ phù hợp.

Rõ ràng, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân người cai nghiện thì  gia đình, xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp cho người lỗi lầm xoá bỏ những mặc cảm, tìm lại niềm vui, ý nghĩa cuộc sống, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

NGỌC DIỄM

.
.
.