Họ đã nỗ lực vượt khó, song còn cần lắm những tấm lòng nhân ái
MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH
3 năm về trước, chúng tôi đã từng đến thăm và chứng kiến cuộc sống cơ cực của 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam ở ấp Mỹ An (Nhị Quý, Cai Lậy). Đó là gia đình anh Võ Văn Tổng và chị Nguyễn Thị Cụt.
Mẹ con chị Cụt. |
Anh Tổng sinh năm 1969, vừa lọt lòng mẹ đã mang di chứng tật nguyền, tay trái và chân phải bị teo cơ, co rút, đi lại rất khó khăn và không cầm, nắm được vật gì. Nỗi đau tật nguyền đeo bám, hành hạ anh cả về tinh thần lẫn thể xác khi nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, đứa con đầu lòng vừa học xong lớp 7 đã phải bỏ học đi làm thuê để lo chuyện mưu sinh.
Trong nhà anh không có vật gì đáng giá, chỉ có 2 chiếc giường ọp ẹp, vách phên lá tuềnh toàng; bữa cơm hàng ngày chỉ có mấy con khô hoặc hột vịt luộc dầm nước mắm chấm rau; còn vợ con thì nay ốm, mai đau…
Gia đình anh Tổng bên căn nhà không có gì đáng giá. |
Hoàn cảnh của chị Cụt còn bất hạnh hơn. Lấy chồng năm 2000, nhưng khi đứa con đầu lòng chưa kịp chào đời thì chồng chị qua đời vì một cơn bạo bệnh. Chưa nguôi nỗi đau mất chồng thì đứa con vừa sinh ra đã có những dấu hiệu bất thường, cái đầu càng ngày càng phình to, còn tay chân thì teo tóp lại, toàn thân mềm oặt, 12 năm nay nằm liệt một chỗ, sống cuộc đời thực vật.
Tiếp xúc với chúng tôi, nước mắt của người mẹ bất hạnh cứ lăn dài, kể nghe mà quặn thắt cả đáy lòng: “Mẹ con tôi đã từng bị đói, may mà còn có bà con lối xóm cưu mang, nếu không thì…! Nhà chỉ có một mẹ, một con mà con thì dị dạng, nằm liệt một chỗ, sống cuộc đời thực vật, nên mẹ không thể rời con để bươn chải mưu sinh. Vì vậy, cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám mà không có cách gì vươn lên được.
VÀ NHỮNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI RỘNG MỞ
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ra đời góp phần làm ấm lòng những mảnh đời bất hạnh do bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hoàn cảnh của gia đình anh Tổng, chị Cụt đã được Hội chú ý, lưu tâm giúp đỡ.
Qua quá trình vận động của Hội, anh Tổng, chị Cụt đã được Công ty ANCO hỗ trợ mỗi gia đình 4 con heo giống và 32 bao thức ăn gia súc, trị giá 13 triệu đồng. Công ty còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chữa bệnh cho đến lúc heo xuất chuồng. Nhờ vậy, đợt đầu tham gia Chương trình “Đồng hành cùng ANCO vượt khó”, anh Tổng và chị Cụt đều bán được khoảng 3 tạ heo, thu về hơn 10 triệu đồng, lại còn để được một con heo nái làm giống.
Qua hai lứa heo sau, tuy giá heo hơi sụt giảm, giá thức ăn gia súc tăng, lợi nhuận không cao nhưng anh Tổng, chị Cụt vẫn cố gắng duy trì công việc chăn nuôi, quyết chí vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, hai con heo nái của anh Tổng, chị Cụt đang chuẩn bị đẻ lứa thứ 3, hy vọng sẽ làm ấm lòng những mảnh đời bất hạnh.
Không chỉ vận động Công ty ANCO hỗ trợ heo giống làm “chiếc cần câu” cho gia đình anh Tổng, chị Cụt mưu sinh, Huyện hội Cai Lậy còn làm hồ sơ đề nghị ngành LĐ-TB&XH cấp cho anh Tổng, chị Cụt 2 suất trợ cấp chế độ chính sách xã hội hàng tháng, mỗi suất 180.000 đồng. Ngoài ra, chị Cụt còn được ông Nguyễn Văn Lộc (Tư Lộc, ngụ xã Tân Bình, là thương binh hạng 2/4) trích từ tiền trợ cấp thương binh của mình hỗ trợ mẹ con chị mỗi quý 250.000 đồng.
Mặc dù đã được hỗ trợ và đã cố gắng vươn lên, nhưng do trên mình mang nặng “nỗi đau da cam” nên gia đình anh Tổng, chị Cụt chỉ mới thoát cảnh đói chứ chưa thoát được cảnh nghèo. Hai căn nhà của anh Tổng, chị Cụt đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, trống trước hở sau, mưa tạt gió lùa mà không có khả năng sửa chữa.
Hy vọng qua bài viết này, những tấm lòng nhân ái lại rộng mở để gia đình anh Tổng, chị Cụt được sống trong mái ấm nghĩa tình cho vơi bớt nỗi niềm bất hạnh do bị phơi nhiễm chất độc da cam.
ANH ĐẬU