Làm hủ tiếu giỏi, làm Trưởng ấp cũng giỏi
Đến làng nghề sản xuất bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho tại xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) không ai không biết cơ sở sản xuất bánh - hủ tiếu của gia đình chú Trương Văn Thuận ở ấp Hội Gia.
Năm 1983, cơ sở hủ tiếu của chú sản xuất theo mô hình khép kín hộ gia đình, từ khâu sản xuất đến thành phẩm chủ yếu là thủ công (như từ xay bột, hấp bánh, đến cắt bánh) và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, (bánh hủ tiếu sau khi tráng phải phơi nắng), do đó năng suất thấp, sản phẩm của cơ sở sản xuất tiêu thụ chủ yếu trong khu vực TP. Mỹ Tho.
Để khắc phục những mặt hạn chế, chú vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, cải tiến, đầu tư máy móc trong khâu làm bánh với công suất cao hơn như trang bị máy xay bột, máy hấp, máy sấy bánh, máy cắt bánh... Nhờ đó sản phẩm do cơ sở của chú làm ra chất lượng ngày càng được nâng cao, sợi bánh hủ tiếu dai, trong... được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Trong quá trình sản xuất chú luôn quan niệm “Chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu”, do đó vấn đề an toàn thực phẩm được ưu tiên quan tâm. Đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị mới, thường xuyên vệ sinh trang thiết bị sản xuất và nhắc nhở công nhân sản xuất an toàn.
Hiện nay bình quân 1 ngày cơ sở sản xuất của chú sản xuất 600kg, vào ngày cuối tuần, ngày lễ phải tăng gấp đôi công suất mới đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giá bình quân trên thị trường từ 13.500 - 14.000đồng/kg. Thị trường tiêu thụ hiện nay được mở rộng tận Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh... Lợi nhuận từ cơ sở hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.
Cơ sở hoạt động đã giải quyết việc làm cho 6 lao động, thu nhập ổn định bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Năm 2007, Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho ra đời, đến nay có 9 tổ viên do chú làm tổ trưởng, nhờ đó việc trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm hiểu về thị trường nhanh giúp việc sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Theo chú, việc sản xuất hủ tiếu có nhiều thuận lợi như: Giá nguyên liệu đầu vào thuận lợi, giá đầu ra sản phẩm luôn ổn định, thị trường tiêu thụ ít biến động, do đó người sản xuất hủ tiếu thường có lãi, an tâm sản xuất.
Bên cạnh những thuận lợi, cũng có những khó khăn như vấn đề bảo quản lâu, dài ngày mà chất lượng vẫn đảm bảo. Chú đang cùng với ngành hữu quan của địa phương nghiên cứu để có thể kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng, để sản phẩm bánh hủ tiếu làng nghề Mỹ Tho có thể đi xa thị trường hơn nữa.
Chú Trương Văn Thuận còn là một Trưởng ấp đầy trách nhiệm. Ngoài thời gian làm việc trong cơ sở, chú thường xuyên giúp đỡ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế như hướng dẫn sản xuất, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, tổ hợp tác và các hộ dân trong ấp chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong cho biết thêm: “Ngoài việc sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Thuận còn có mối quan hệ tốt với nhân dân địa phương, giúp đỡ hộ nghèo khó khăn…”.
Với những thành tích trên, chú Trương Văn Thuận được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
XUÂN HÒA - THÀNH LỤA