Thứ Sáu, 28/06/2013, 14:33 (GMT+7)
.

Mang chất TNXP thổi vào công việc & trải lòng qua trang viết

Hơn 30 năm lèo lái, vị chủ nhiệm Trần Đỗ Liêm đã góp phần đưa HTX Rạch Gầm trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Ông chân thành: “Phải dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo; phải biết chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn; phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ kiến thức, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống; phải nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng.

Đây không chỉ là những bí quyết, mà còn là những phẩm chất cần có của mỗi người. Riêng với tôi, chính những năm tháng tham gia Thanh niên xung phong đã rèn cho mình sự bền gan, vững chí”.

Nhắc về một thời Thanh niên xung phong (TNXP) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giọng ông trở nên hồ hởi: Xung phong nghĩa là “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; là sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khí thế những ngày ấy thật hào hùng.

Chúng tôi đã có nhiều đêm không ngủ để “xúc đá vá hố bom”, để mở những con đường len lỏi giữa bạt ngàn rừng Trường Sơn hùng vĩ. Cuộc đời người TNXP rày đây mai đó, nhiều lúc nằm chưa ấm chỗ đã phải lên đường, vì vậy mới có câu: “Quanh năm lán trại, bốn mùa chuyển quân”. Bất cứ rừng sâu hay đèo cao, “dù bom rơi mất lối”, hễ nơi nào cần là TNXP có mặt. Không chỉ mở đường, chúng tôi còn tham gia chuyển thương, tải đạn; “vững vàng tay súng, chắc tay xà beng” sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Bom đạn hồi đó ác liệt chưa từng thấy, địch đánh phá tối ngày, chúng tôi từng chịu đựng nhiều trận bom B52 của địch rải thảm. Chúng tôi từng nếm trải những trận sốt rét rừng dai dẳng “lúc hầm hập nóng, lúc rét thấu xương”. Đồng đội của chúng tôi, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại bên một cánh rừng hay cạnh dòng sông.

Vinh quang và tự hào, mất mát và đau thương, kỷ niệm về một thời tham gia TNXP như những dấu ấn không phai mờ, đọng mãi trong lòng chúng tôi. Cũng chính vì lẽ đó mà những người TNXP chúng tôi đã thầm hứa với lòng mình sẽ sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn.

Thành đạt trên thương trường, ông Trần Đỗ Liêm không quên “Đền ơn, đáp nghĩa”. Ông bàn với Ban Chủ nhiệm HTX trích một phần lợi nhuận xây dựng hơn chục căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và nhận phụng dưỡng suốt đời 2 mẹ VNAH. Chăm lo đến thế hệ mai sau, ông đã đề xuất với HTX tài trợ một phần kinh phí cho Câu lạc bộ Sáng tác trẻ của tỉnh.

Là doanh nhân, song ông vẫn dành thời gian trải lòng qua trang thơ, trang văn. Từ bấy đến nay, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí, trong đó có 2 tập thơ in chung: “Khúc điệu sông Tiền”, “Những nẻo đường thơ”;  tập thơ riêng: “Đi dọc Việt Nam” và 2 tập bút ký: “Con người và sông nước Cửu Long”, “Nỗi niềm sông nước” đậm chất phù sa vùng Đồng bằng Nam bộ.

Với ông, khởi nguồn sáng tác cũng từ TNXP: “Tôi từng là một cán bộ Đoàn thường xuyên tham gia công tác vận động quần chúng. Hoạt động thanh niên vốn sôi nổi, với vai trò trách nhiệm của mình, tôi đã từng có nhiều sáng tác nghệ thuật trong các buổi liên hoan văn nghệ quần chúng. Dòng văn, tứ thơ hình thành từ thuở đó - thuở tôi tham gia Thanh niên xung phong và qua văn thơ tôi chỉ muốn trải lòng mình - muốn nhớ mãi một thời tôi là TNXP”.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.