Thứ Sáu, 21/06/2013, 12:37 (GMT+7)
.

Phóng viên nhiếp ảnh - Liệt sĩ Phan Tấn Phước: Những “khoảnh khắc” lưu lại

Lương Tấn Đức di ảnh thời học sinh.
Lương Tấn Đức di ảnh thời học sinh.

Năm nay, kỷ niệm tròn 50 năm Báo Đảng Tiền Giang mang tên Ấp Bắc, trong dòng ký ức, các thế hệ làm báo về nguồn, tìm lại thân nhân và thắp nén hương trên phần mộ các nhà báo liệt sĩ. Với phóng viên nhiếp ảnh Phan Tấn Phước, trong tâm thế tay súng - tay máy anh đã xông pha trên chiến trường để “chốp” những “khoảnh khắc”, thế nhưng trong khoảnh khắc anh trúng bom máy bay địch…thi thể anh không sao tìm được. Nhân Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam xin ghi lại đây những “khoảnh khắc” về anh.

* ĐỨA TRẺ SỐNG SÓT SAU TRẬN BOM

Đó là “khoảnh khắc” đầu đời của đứa trẻ tên Lương Tấn Đức. Bà Trần Hoàng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh ngậm ngùi kể lại: Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, giặc Pháp đàn áp dã man. Chúng đưa máy bay bỏ bom tàn sát, giết hại biết bao đồng bào vô tội. Bây giờ mỗi khi nhìn tấm bia căm thù đặt ở chợ Vĩnh Kim là tôi nhớ đến gia đình anh hai tôi, ba thằng Đức.

Anh hai tôi (cùng mẹ khác cha) tên Lương Văn Xồi có 2 người con: Lương Thị Tùng và Lương Tấn Đức. Khi đó Tùng mới lên ba, còn Đức còn bồng. Hôm đó, anh chị hai tôi đậu ghe cặp cầu cá chợ. Bất thình lình máy bay đến bỏ bom xối xả. Chị hai tôi ôm Đức trong lòng, trúng bom máu chảy ướt cả sang đứa con. Anh hai tôi nhanh chóng bồng bế 2 con đưa xuống gầm cảng cá ẩn nấp. Lúc ấy, trên bờ lính Pháp lùng sụt bắt bớ. Đến khi nước lớn, không thể ẩn nấp, không thể để con chết ngợp, anh hai tôi men lên bờ và sa vào tay giặc. Chúng bắt anh, bỏ lại 2 đứa nhỏ bơ vơ.

Anh hai tôi được thả ra rồi tiếp tục tham gia cách mạng, bước thêm bước nữa. Thế là 2 đứa nhỏ sống trong sự cưu mang đùm bọc của tôi và gia đình. Vừa mưu sinh, vừa hoạt động hợp pháp, tôi nuôi Đức, cho ăn học đến lớp nhì trường làng.

Rồi cho Đức xuống Mỹ Tho học nghề chụp, rửa hình. Đến năm 1960, Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Mỹ Tho cần phóng viên nhiếp ảnh, Lương Tấn Đức tham gia công tác báo chí văn nghệ, phục vụ nhiếp ảnh trực tiếp cho tờ Thông tin Mỹ Tho. Lương Tấn Đức mang tên Phan Tấn Phước cũng là bút danh của anh gắn liền với tờ báo mà sau Chiến thắng  Ấp Bắc (2-1-1963) được đặt tên là Ấp Bắc.

*KHOẢNH KHẮC VỀ PHÓNG VIÊN NHIẾP ẢNH PHAN TẤN PHƯỚC

Các cán bộ và phóng viên cùng thời với Phan Tấn Phước kể: Từ Thông tin Mỹ Tho đến Báo Ấp Bắc, Tổ phóng viên nhiếp ảnh tác nghiệp như những chiến sĩ xông pha trên chiến trường. Tay cầm súng, tay cầm máy, các phóng viên nghiếp ảnh Báo Ấp Bắc bám sát từng cánh quân, từng trận công đồn, từng phong trào đấu tranh của quần chúng… ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu và chiến thắng.

Đó là kho tàng ảnh trả bằng máu, hừng hực sức chiến đấu không chỉ in trên báo mà còn phục vụ các cuộc hội nghị lớn do Tổ phóng viên nhiếp ảnh Báo Ấp Bắc “săn”. Đó là Tổ trưởng Lý Cần  và các tay máy: Nguyễn Văn Thành (Quốc Thái), Minh, Phan Tấn Phước… và còn vài người chưa biết tên trong bức ảnh đăng cùng bài viết này. 

Cũng qua lời kể, Bộ ảnh do Tổ phóng viên nhiếp ảnh chụp, hiện anh Quốc Thái còn lưu giữ. Qua từng bức ảnh dù không ghi đầy đủ tên tác giả, song để làm nên những khoảnh khắc vàng của lịch sử kháng chiến chống Mỹ trên quê hương, các phóng viên nhiếp ảnh đã bỏ mình vì sự nghiệp báo chí. Đó là liệt sĩ Lý Cần, Phan Tấn Phước và phóng viên chưa biết tên, cả phóng viên mang thương tích…

Nhắc đến Phan Tấn Phước, đồng đội nói ngay anh là phóng viên nhiếp ảnh, còn với người nuôi dưỡng, dẫn dắt anh tham gia cách mạng - Cô Chín Trần Hoàng, nay đã ngoài tuổi 80 vẫn không bao giờ quên hai khoảnh khắc về đứa cháu mà cô coi như con đẻ.

Đó là lần anh thoát chết trong vòng tay che chở của mẹ trước trận bom giặc Pháp. Đó là khi anh ra đi trong trận công đồn An Hữu (Cái Bè) trong lúc làm phóng viên nhiếp ảnh. Đó là khoảnh khắc pháo địch dập, anh hy sinh thân xác không còn…Hai khoảnh khắc đời người Lương Tấn Đức - Phan Tấn Phước. Cô Chín ngậm ngùi kể thêm: Nó cưới vợ trước khi bước vào Chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân Xuân 1968. Ăn ở với vợ chưa đầy tuần trăng mật thì lên đường. Tám tháng sau nó hy sinh, tội nghiệp vợ chồng nó chưa kịp có con…

* Khắc ghi tên anh - Phan Tấn Phước

Hôm đến mời cô Chín và gia đình dự Lễ Kỷ niệm 50 năm báo Đảng Tiền Giang mang tên Ấp Bắc, cô cho hay đang làm thủ tục để chị Tùng được hưởng trợ cấp vì chị đang thờ cúng anh Phước. Chuyện này chị Mọi, vợ anh đang sinh sống ở Sài Gòn cũng chịu. Cô vui mừng nói thêm, nghe đâu xã Vĩnh Kim dự định lấy tên anh đặt tên cho một con đường.

Mở sách Chân dung các Nhà báo liệt sĩ có ghi về anh: “Nhà báo - liệt sĩ Lương Tấn Đức. Bút danh: Phan Tấn Phước. Năm sinh: 1939. Quê quán: Ấp Vĩnh Thạnh (Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang). Năm tham gia cách mạng: 1958. Năm tham gia hoạt động báo chí: 1960. Thuộc cơ quan Báo Ấp Bắc. Tình huống và nơi hy sinh: Ngày 25-8-1968, trong lúc cùng Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho và Tiểu đoàn 261 Quân khu 9 tập kích vào đồn An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang). Đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của anh…”

Trang viết này xin tưởng niệm anh, tấm gương nhà báo - liệt sĩ làm rạng rỡ thêm cho lịch sử Báo Ấp Bắc, một bộ phận không thể tách rời của báo chí cách mạng Việt Nam.

CỎ THƠM

.
.
.