Quên nỗi đau của mình, vì nỗi đau người khác
Cô Chín Xinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường 8, TP. Mỹ Tho. |
Có lẽ không ai hiểu nỗi khổ của nạn nhân bằng chính những cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) cơ sở. Vì vậy tuổi tác, bệnh tật cũng không ngăn được lòng nhiệt thành góp phần xoa dịu nỗi đau của họ.
Cô Chín Xinh - Nguyễn Thị Xinh, 71 tuổi, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường 8, TP. Mỹ Tho là một trong những người như thế.
Tuy đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, lại thêm nhiều thứ bệnh trong người, nhưng cô vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Chồng cô - chú Ba Trần Bửu, nguyên Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc nói, cô rất giàu lòng thương người, nhất là người nghèo, trẻ con!
Hồi trước, TP. Mỹ Tho có một “Mái ấm tuổi thơ” gần nhà cô. Làm trong Mái ấm rất vất vả, lại không có chế độ bồi dưỡng nhưng cô vẫn tình nguyện phụ trách Mái ấm; cùng chị Sáu trông nom, săn sóc đám trẻ bụi đời được ngành chức năng gom về đây.
Mái ấm lo cho các em cái ăn cái mặc, cho học chữ học nghề, dạy các em làm một người đàng hoàng. Em này ở thấy được đã rủ bạn vào, có lúc Mái ấm nuôi tới 20 em. Nhiều em còn chưa biết tự chăm sóc mình, ngủ còn đái dầm, các cô phải tắm giặt. Ngoài việc cùng chị Sáu chăm sóc các em, cô còn đi vận động để có thêm tiền cho các em những bữa ăn ngon.
Cô nói, bây giờ cô làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin của phường là để góp phần chăm sóc, giúp đỡ con em của những bạn bè, đồng đội năm xưa và cả những gia đình bà con bám trụ. Cô tham gia cách mạng từ năm 1966, đầu tiên làm công tác phụ nữ, sau chuyển qua Quân báo, rồi Biệt động thành. Đợt Xuân Mậu Thân năm 1968, cô cùng chị em cơ sở bám đường, dẫn bộ đội đánh vào Mỹ Tho…; thức suốt mấy đêm liền, mi mắt cứng đơ. Cũng năm đó cô được kết nạp vào Đảng.
Cô kể về 9 năm tham gia kháng chiến thì 3 lần bị bắt. Sau năm 1975, cô chuyển sang làm Trưởng khóm Ninh Kiều, Mỹ Phúc; rồi làm Phó Chủ tịch Tài mậu, Bí thư chi bộ phường. Năm 1980, vì gia cảnh neo đơn cô xin chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường. Năm 1986 cô làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Mỹ Tho đến lúc nghỉ hưu - năm 1989.
Vừa nghỉ hưu cô nhận ngay chức Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm khu phố văn hóa 7, kiêm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi; năm 1991 làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường; năm 1992 làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 8. Ở vị trí công tác nào cô cũng làm việc hết mình, chức vụ nào cô cũng được khen thưởng. Cho đến khi cô bị bệnh, nhiều chứng bệnh khó trị, cô mới xin nghỉ việc.
Năm 2011, Hội NNCĐDC/Dioxin phường phát triển từ Chi hội lên Hội, cán bộ cũng phải bố trí lại theo yêu cầu mới. Phường vận động và cô đã nhận làm Chủ tịch Hội cho đến nay. Làm nhiệm vụ này, cô phải đi tuyên truyền phát triển hội viên; khảo sát để xác định nạn nhân, nắm từng hoàn cảnh cụ thể; vận động giúp đỡ những nạn nhân khó khăn… Tuy trong thường trực Hội còn có Phó Chủ tịch và Thư ký, nhưng cô là người đứng mũi chịu sào.
Mới hơn 2 năm hội đã phát triển thêm được 30 hội viên và khảo sát xác định thêm 7 nạn nhân. Mỗi năm, vào dịp tết và dịp kỷ niệm Ngày vì NNCĐDC (10-8), Hội NNCĐDC/dioxin phường 8 vận động được hơn 10 triệu đồng để tổ chức họp mặt, tặng quà cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn và trích một phần để khen thưởng các chi hội khu phố. Tết Nguyên đán năm 2013, Thành hội ra chỉ tiêu mỗi Phường hội phải vận động 20 suất quà, phường 8 đã vận động được 28 suất.
Nói đến đây cô cười: “Cô tận dụng mọi cơ hội để xin. Họp mặt, gặp bạn bè - xin. Đi tập thể dục, gặp bạn nào khá giả - xin. Ở nhà thì xin con, cháu. Điều đáng mừng là cả nhà cô ai cũng ủng hộ cô làm từ thiện. Tết vừa qua, người con gái thứ hai của cô (ở xã Mỹ Phong) cho 1 triệu đồng; vợ chồng người con trai thứ năm (làm ở Đài PT&TH tỉnh) cho 400.000 đồng; con gái thứ sáu (đang làm ở Đài Phát thanh TP. Hồ Chí Minh) cho 100.000 đồng; cô con gái út cho 500.000 đồng; thằng cháu bán cà phê ở Tân Mỹ Chánh cho 800.000 đồng… Nhờ vậy, sau khi chi họp mặt, tặng quà, thăm bệnh, Hội NNCĐDC/dioxin phường còn được 35 triệu đồng tiền quỹ”.
Cô nói, chiến tranh đã cướp đi của cô một người chồng (Nhà báo liệt sĩ Trần Hưởng), nhưng tạo hóa đã đền cho cô người chồng khác, cũng mẫu mực, thủy chung như vậy! Vợ chồng cô cùng đi qua chiến tranh, cùng trở về nguyên vẹn, điều đó đã là may mắn rồi. Bây giờ 5 người con của cô đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định; 10 đứa cháu nội, ngoại khỏe mạnh, học hành đàng hoàng. Quãng đời còn lại cô chỉ muốn làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn cho những nạn nhân nghèo…
Nghe cô nói, nhìn cô cười, có ai biết chính cô cũng là một NNCĐDC. Cô bị xơ gan, trong gan có khối u ác tính; bị bệnh tiểu đường, khớp, tim, huyết áp… Vậy mà cô vẫn muốn làm mọi việc, muốn tự tay chăm sóc gia đình, muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội…
NGỌC THỦY