Thứ Tư, 26/06/2013, 14:13 (GMT+7)
.

Rọc lá chuối nuôi con ăn học thành tài

Khuya sớm tảo tần, rong ruổi đến nhà vườn ở các huyện để rọc lá chuối, vợ chồng chú Trần Văn Sáu - cô Dương Thị Ngọc Lan (Bình An, Vĩnh Hựu, Gò Công Tây) đã nuôi con ăn học thành tài.

Hôm đến thăm nhà, chú Sáu đang xếp lá chuối để kịp đi giao cho khách hàng. Chú cho biết: “Vợ chồng chú làm nghề rọc lá chuối đã gần 20 năm nay. Sáng thức dậy sớm tìm tới các vườn chuối ở nhiều nơi trong và ngoài huyện Gò Công Tây hỏi mua lá rọc đem về lau sạch, xếp lại để giao cho khách hàng, bất kể ngày nắng gắt hay mưa dầm”.

Chú Sáu -  cô Lan xếp lá chuối để kịp đi giao hàng.
Chú Sáu - cô Lan xếp lá chuối để kịp đi giao hàng.

Trước đây vợ chồng chú Sáu cùng công tác ở ngành Thương nghiệp huyện Châu Thành. Năm 1980, cô chú cưới nhau rồi đưa về Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) sinh sống, được ba mẹ cho miếng đất cất nhà ở. Lúc đầu cuốc đất, nhổ cỏ, cấy lúa thuê…; sau đó chuyển sang rọc lá chuối đem bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Mỗi ngày cô chú mua được hơn 100kg lá, đem về lau chùi sạch sẽ rồi xếp gọn gàng đem giao cho các lò bánh tét, bánh ít… ở xã Tân Hương, huyện Châu Thành.

Thường thì, hôm nào chú Sáu đi giao lá thì cô Lan đi mua lá. Mỗi ngày cô chú kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Cô chú có hai người con trai. Trước đây gia đình từng sống kham khổ, ở trong căn nhà tạm bợ, xập xệ. Những vật dụng trong nhà, như chiếc xe đạp để cô chú đi rọc lá đều mua đồ ve chai đem về sửa lại…

Sự cần cù lao động của chú Sáu - cô Lan đã được đền bù xứng đáng. Người con trai lớn là Trần Minh Nhựt tốt nghiệp Đại học Hàng hải, đứa con út Trần Minh Phương tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Cả hai đã ra trường và làm việc tại Tân Cảng - TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy con, chú Sáu cho biết: “Nhà nghèo, cô chú chỉ biết khuyên con ráng học thật giỏi, không đua đòi. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cha mẹ nên hai đứa con của cô chú rất ngoan, ngoài giờ học là phụ giúp ba mẹ, không mặc cảm cảnh nghèo với bạn bè. Con được học thành tài, có việc làm ổn định là cô chú hết sức mãn nguyện!”.

Cô Lan tiếp lời chú Sáu: “Khi nuôi người con lớn đi học, cô chú nợ trên 20 triệu đồng. Đứa lớn ra trường thì nuôi đứa nhỏ đi học nên cô chú cũng đỡ lo!”. Hiện tại, cô chú đã trả hết nợ và xây lại ngôi nhà. Dù cuộc sống giờ đây đỡ vất vả hơn, nhưng hàng ngày cô chú vẫn đội mưa, đội nắng đi rọc từng tàu lá chuối. Chú Sáu bảo: “Còn sức khỏe thì còn làm việc!”. Nhà không đất đai, cô Lan tận dụng phía sau nhà xây chuồng nuôi vài con heo, vịt để cải thiện thêm cuộc sống gia đình.

Anh Lê Văn Phụng, Bí thư Chi bộ ấp Bình An cho biết: “Gia đình chú Sáu - cô Lan thoát nghèo 3 năm nay là nhờ sự cần cù, ý chí vượt khó. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây gia đình chú Sáu đã có được một “kho tri thức” của các con, mà theo cô chú quý hơn cả vàng bạc. Đối với xóm làng, cô chú sống chân tình, được mọi người thương yêu, quý mến. Gia đình chú Sáu là gia đình văn hóa, gia đình hiếu học tiêu biểu”.

P. MAI

.
.
.