Vang danh gia đình 5 đời làm thợ rèn
Về xã Nhị Quí (Cai Lậy), chúng tôi khá bất ngờ khi được anh Võ Văn Hai (ngụ ấp Quí Chánh) cho biết: Ở xã này hiện có đến 13 lò rèn, trong đó có 10 lò rèn là của họ Võ nhà anh. Nghề cha truyền con nối qua 5 đời nên lò rèn nhà anh tiếng tăm vang xa, khách hàng không chỉ ở trong và ngoài tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, An Giang… mà còn có cả Việt kiều Mỹ, Canada cũng về đây đặt hàng.
Lò rèn qua 5 đời
Vào ấp Quí Thành, xã Nhị Quí (Cai Lậy), nghe tiếng đập sắt nhịp nhàng vọng lại, anh Võ Văn Hai dừng xe và giới thiệu: “Kia là lò của thằng em thứ năm, đây là của thằng con trai tôi, còn đó là chỗ làm của ông già”.
Theo hướng tay anh chỉ, chúng tôi bước vào một góc nhỏ của căn nhà lá cũ kỷ, ông cụ khoảng tám mươi, đang mài dao. Hòa trong tiếng rè rè cùng những` tia lửa túa ra như pháo hoa, ông giải thích: “Trước kia trui xong, gọt cho mỏng mép, cực và lâu, sau này sáng chế mô tưa gắn đá lửa mài nhanh hơn. Lớn tuổi rồi, bác chỉ nhận trui dao cũ cho bén lại chứ không làm hàng mới vì không còn sức đập sắt”. Ngừng một chút, ngắm nghía con dao, ông nói tiếp: “Làm cầm rai mỗi ngày cũng được trên trăm ngàn, đủ cho bà nó đi chợ, đỡ gánh nặng cho các con, tuy rằng tụi nhỏ vẫn lo lắng, cho tiền”.
Toàn cảnh lò rèn của "ông" chủ lò rèn thời @ Võ Văn Khoa. |
Tên khai sinh của ông là Võ Văn Viên (sinh năm 1937) gắn bó với nghề lâu năm nên hàng xóm gọi là ông Ba lò rèn. Ngược dòng thời gian, ông Ba Viên kể lại: “Hồi đó ông nội tôi, nay đã hơn 150 tuổi, đập sắt mướn cho một lò rèn ở xã Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành), thấy nghề thợ rèn sống được, ông âm thầm học nghề; sau đó về đây mở lò và truyền nghề cho ba tôi là ông Võ Văn Chẩn, rồi đến tôi, các con tôi và các cháu, tính ra đã năm đời rồi…”.
Mười tuổi, ông ba Viên đã đứng đập sắt bằng búa nhỏ, 15 tuổi ông quai búa lớn; đập sắt búa 2 (2 người), búa 3 (3 người) phải nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Nghề thợ rèn không phải cầm tay chỉ việc hay phải nói bằng lý thuyết mà học bằng mắt và bằng cái đầu sáng tạo, thông minh và thực hành. Hồi nhỏ, nhìn người lớn làm riết rồi quen, ông thử làm dao nhỏ rồi đến dao lớn, búa, liềm, kéo, mác, phãng…Nghề thợ rèn hơn kém nhau là kinh nghiệm, hàng làm xài không bị sửa lại, lửa trui không được non hay già quá dao sẽ không bén mà mau hư.
Ông ba Viên có 5 trai và 3 gái nhưng có đến 4 người con trai theo nghề thợ rèn. Anh Võ Văn Hai là tay thợ giỏi nhất trong 4 người con theo nghề, lò rèn của anh ở ấp Quí Chánh, nằm cặp bờ kinh Nhị Quí. Tám tuổi, anh Hai đứng quạt than, 21 tuổi làm thợ chính rồi ra lò rèn riêng.
Chị Nguyễn Thị Bông (vợ anh Hai) nhớ lại: “Hồi chị mới về làm dâu, lò rèn của gia đình còn dùng ống quạt thụt rồi đến quạt quây (sáng chế từ bàn đạp xe đạp), mỗi khi đứng quạt than, âm thanh nghe phì phò đều đều, chị thường ngủ gục và hay bị ông nội chồng lấy cây dụi gọi dậy. Bây giờ thì quạt lò bằng mô tưa đỡ phải tốn người đứng quạt”. Ra lò rèn riêng, có khi thiếu công làm chị Bông phải quay búa đập sắt phụ chồng, nghề thợ rèn đã giúp anh chị nên nhà cửa và nuôi 8 đứa con.
Ông Ba Thợ rèn đang mài dao, tia lửa bung ra như pháo hoa. |
Học nghề thợ rèn không tốn tiền mà còn được trả lương. Ngày xưa quạt lò thì thuê trẻ em, đập sắt thì mướn người lớn. Có đứa theo làm công luôn tới lớn qua những công việc tại đây như: Cắt sắt, mài dao, đập sắt, nhìn thợ chính trui, rèn… và có chút “hoa tay” thì thành thợ rèn lúc nào không hay.
Khi hỏi tại sao có câu nói: “Thợ rèn không có dao ăn trầu”, cha con ông Ba lò rèn đều bật cười và chung câu giải thích: Khách hàng đến mua hàng, đôi khi hàng không làm kịp, họ nài nỉ mua dao, búa… của nhà đang xài, tâm lý người mua cho rằng đồ của chủ lò rèn xài là đồ tốt. Khách hàng cần thì mình lấy bán, mai mốt sẽ làm cái khác xài, thế nhưng lại quên làm, khi cần xài thì không có nên có câu nói này.
Lò rèn thời @
Trong tất cả lò rèn của dòng họ Võ ở Nhị Quí thì lò rèn của em Võ Văn Khoa (38 tuổi, ở ấp Quí Thành, xã Nhị Quí), con trai lớn của anh Võ Văn Hai là hiện đại nhất. Khoa học nghề từ ông nội (ông Ba Viên), rồi cha của mình. Năm 22 tuổi Khoa mở lò rèn riêng, lúc đầu làm thủ công truyền thống như gia đình. Khoa phải thuê người làm, đôi lúc hàng gấp mà công làm lại kẹt, bị khách hàng phiền phức. Từ đó Khoa cất công tìm hiểu về nghề nghiệp và đi Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh tìm mua được máy đập sắt, sau đó là máy cắt sắt thép, máy đúc lưỡi cuốc, dá, máy làm khâu, máy tiện cán dao, cuốc… đầu tư tất cả 300 triệu đồng.
Có đủ phương tiện với quy trình hiện đại, sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng tốt, tiết kiệm lao động. Lò rèn của Khoa ngoài dao, kéo, ở đây có máy dập khuôn cuốc, dá nên các mặt hàng này nhiều và rất chuẩn, cung cấp các tỉnh xa và các công trình xây dựng… Hàng của cả gia đình họ Võ này hầu như đều có đóng dấu như Khoa có đóng dấu “KNQ” (Khoa Nhị Quí) cũng như hàng của anh Võ Văn Hai cũng có dấu “HAI” để giữ thương hiệu và uy tín.
Anh Võ Văn Hai với chiếc máy đập sắt tự làm. |
Anh Hai tâm sự: “Ngày ông nội mất, ông có dặn tôi rằng: Con ơi đừng phụ nghề này tuy đen đúa nhưng đóng cửa thì thôi mà mở cửa là có tiền… và tôi đã theo nó mấy mươi năm qua, truyền nghề cho các em cùng con, rễ và cháu của mình. Làm nghề nào cũng phải có cái tâm và phải mềm mỏng, rất nhiều lần chúng tôi phải khéo léo từ chối các “khách hàng” choai choai, tóc xanh, tóc đỏ mang các loại dao găm, mã tấu đã cắt sẵn yêu cầu rèn lại cho bén”.
Rồi anh Hai cho biết thêm: “ Khi Khoa có máy đập sắt, anh xuống nghiên cứu và mua các phụ tùng rồi nhờ thợ hàn tiện theo bản anh vẽ; nhiều người e ngại, sợ sẽ không đập được thì coi như bỏ của, nhưng cuối cùng anh thành công, máy đập của anh chỉ tốn 16 triệu đồng trong khi con trai mua 25 triệu”.
Nhìn cơ ngơi và những máy móc được đầu tư của Khoa, chúng tôi không khỏi khâm phục “ông” chủ lò rèn trẻ tuổi thời @ này. Ngày ngày, tiếng đập sắt, mài, tiện của ba thế hệ làm nghề thợ rèn trên một vùng đất từ thủ công cho đến hiện đại vẫn đều đặn vang lên như khúc khải hoàn. Khi hỏi về việc truyền nghề cho thế hệ tương lai, Chị Nguyễn Thị Bông cười bảo: “Thằng cháu ngoại của tôi nói: Ngoại ráng làm nuôi con đi, mai mốt lớn con làm lò rèn nuôi lại ngoại…; còn thằng cháu nội đi học thì thôi về nhà hay theo ông nội lục đục trong lò rèn”.
NGỌC LỆ