Thứ Bảy, 27/07/2013, 09:16 (GMT+7)
.

Anh thương binh vui tính và câu chuyện làm ăn ly kỳ

Anh Mười bên gốc sứ  25 triệu đồng chưa bán.
Anh Mười bên gốc sứ 25 triệu đồng chưa bán.

Trở lại thăm anh sau 30 năm xa cách, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những thành quả đáng nể được tạo ra bởi trí tuệ, mồ hôi và công sức của anh thương binh nặng Lê Văn Mười ở ấp 16 (Long Trung, Cai Lậy).

Tôi và anh Lê Văn Mười (mọi người quen gọi Lê Mười) cùng là học viên lớp trung cấp lý luận chính trị đầu tiên (khóa 1979 - 1981) của Trường Đảng tỉnh Tiền Giang (nay là Trường Chính trị tỉnh).

Thời đó anh là một cán bộ kháng chiến, một thương binh nặng nhưng còn rất trẻ, đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ trong tôi và nhiều người khác bởi sự bộc trực, nhiệt tình trong công việc và vui vẻ, hoạt bát, có phần hóm hỉnh trong sinh hoạt đời thường.

Đặc biệt, anh có tinh thần cầu thị rất cao trong học tập, không bao giờ ngần ngại hỏi anh em khi vấp phải những kiến thức khó, trừu tượng trong các môn lý luận. Anh cũng rất sẵn sàng truyền đạt những kỹ năng sống mà anh học hỏi và tích lũy được trong kháng chiến cho bọn trẻ chúng tôi để ứng phó với hoàn cảnh sống, học tập đầy khó khăn, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc trong thời gian đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Với tỷ lệ thương tật 81%, có tiêu chuẩn người phục vụ riêng, lẽ ra anh phải nghỉ ngơi theo chế độ nhưng vì còn trẻ và còn sức nên sau khi học và tốt nghiệp lớp trung cấp lý luận chính trị, anh Lê Mười được phân công công tác ở Trường Đảng huyện Cai Lậy (nay là Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Cai Lậy), sau đó được điều sang làm Phó Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy rồi Bí thư Đảng ủy xã Long Trung.

Năm 1982, anh cưới vợ và có được 2 đứa con. Cứ tưởng anh sẽ tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi về hưu nhưng anh cho biết: Yêu cầu công tác thì ngày càng cao mà năng lực mình thì hạn chế, học thêm nữa thì không thể; sức khỏe thì nay vầy mai khác. Vả lại kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, vợ thì chỉ ở nhà làm vườn và con thì còn đang tuổi ăn, tuổi học. Vì lẽ đó năm 1996 anh quyết định xin nghỉ theo chế độ để chuyển hướng làm kinh tế.

Bây giờ nghe anh kể chuyện làm kinh tế, tôi còn lo huống hồ hồi đó anh là một thương binh nặng, chỉ có kinh nghiệm “chiến trường”, vì vậy anh làm kinh tế thì có phần mạo hiểm. Thế nên sự thành công của anh còn có cả chuyện ly kỳ.

Theo sự xác nhận bằng những cái gật đầu của ông Lê Văn Được, còn gọi là Tư Được, đương nhiệm Bí thư Chi bộ ấp 16, xã Long Trung có mặt hôm đó thì anh Lê Mười đã làm ăn trên khá nhiều lĩnh vực: Hợp tác với bạn bè ra tận biên giới phía Bắc thuê đất ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) xây nhà làm kho trung chuyển để thu mua nhãn sấy từ Tiền Giang chở ra bán sang Trung Quốc; ra Long Khánh - Đồng Nai mua mấy ha đất đầu tư trồng cây tiêu, cây điều và mở cả quán ăn; đấu thầu phà Cái Bè - Tân Phong rồi phà Tam Bình - Ngũ Hiệp; mua bán đồ cổ và kinh doanh cây cảnh… Vẫn cái giọng điệu đầy chất khôi hài như hồi nào, anh kể về những lúc “lên bờ” và cả khi “xuống ruộng” cứ như không. Rồi anh “chốt” lại: “Nói chung là làm ăn được!”.

Năm 2005, vết thương cũ tái phát anh phải nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy mất mấy tháng nên anh đành phải thu dọn bớt “chiến trường”. Giờ thì anh chỉ còn sở hữu và lo chăm sóc hơn 2 ha, trong đó có hơn 60 sào của cha mẹ để lại trồng cây ăn trái, cây cảnh ở ấp 16, xã Long Trung; còn những nơi khác thì làm không xuể, phải bán bớt hoặc cho người khác thuê. Ngoài trồng cây ăn trái và cây cảnh có giá bạc triệu, trong vườn nhà anh lúc nào cũng có hàng trăm con gà thả vườn và đào nhiều ao thả cá, anh nói vui, có con “sắp thành tinh” vì nó to quá.

Anh bảo, có được thành quả như ngày hôm nay một phần nhờ vào “hậu phương vững chắc” là người vợ suốt mấy chục năm chịu thương chịu khó với anh. Hai con anh giờ đã thành đạt, con gái lớn có gia đình và đang là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Mỹ Tho; con trai chưa lập gia đình, đang công tác ở Trạm Quân - Dân y tỉnh đóng tại xã Long Định, huyện Châu Thành.

Năm nay anh Lê Mười 62 tuổi, đã được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Hiện tại, ngoài việc tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Lê Mười còn là Chủ tịch Chi hội Nạn nhân chất độc da cam xã Long Trung. Trong công việc  này, bằng uy tín và quan hệ rộng rãi của anh, anh đã vận động được hàng tỷ đồng cho hoạt động của chi hội. Thành tích này được xác nhận bởi những giấy khen của Chủ tich UBND huyện Cai Lậy.

Tình cờ, một thanh niên khiếm thính mà anh bảo là “lính” của anh ghé vào nhà và được mời ngồi cùng khách. Chắc là đã nghe và hiểu những gì mà người khác đang nói với nhau nên thỉnh thoảng anh “lính” này lại cười và đưa ngón tay cái dựng đứng nghiêng về phía anh Mười như muốn khẳng định với những người khách phương xa rằng anh Mười là một thương binh tàn nhưng không phế - thương binh giỏi!.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.