Lễ giỗ liệt sĩ, nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn”
Đông đảo nhân dân xã Nhị Quí đến dự lễ giỗ liệt sĩ. |
Lễ giỗ liệt sĩ ở huyện Cai Lậy nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 được khởi xướng tại 2 xã Tân Bình và Mỹ Phước Tây.
Hoạt động tri ân này nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện và nhiều nơi trong tỉnh. Giờ đây giỗ liệt sĩ đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân.
Theo ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, ông Hồ Văn Khê, cán bộ hưu trí ở xã Tân Bình là người khởi xướng tổ chức giỗ liệt sĩ. Đây là hoạt động có ý nghĩa tri ân tốt đẹp nên huyện xin ý kiến tỉnh cho phép nhân rộng ra toàn huyện.
Hoạt động giỗ liệt sĩ được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thân nhân liệt sĩ, các gia đình chính sách thì hài lòng, phấn khởi. Cụ Nguyễn Thị Bê, thân nhân 2 liệt sĩ ở xã Long Trung nay đã ngoài 80 tuổi năm nào cũng đến xã dự lễ giỗ liệt sĩ. “Xã tổ chức lễ giỗ trang trọng. Bà con trong xã về dự đông trong không khí ấm cúng. Sự hy sinh của các liệt sĩ được lớp sau nhớ tới và trân trọng nên tôi cảm thấy mát lòng mát dạ. Giỗ liệt sĩ là chuyện nên làm” - cụ Bê bày tỏ.
Hơn 10 năm qua, cứ đến ngày 27-7 các gia đình chính sách và nhân dân nhiều xã hội tụ về nhà bia ghi danh liệt sĩ của xã tổ chức lễ giỗ liệt sĩ. Giỗ liệt sĩ được tổ chức cũng giống như giỗ gia tiên. Với lòng thành kính, con cháu ai có gì góp nấy, tiền hoặc con gà, con vịt, giỏ trái cây, nấu mâm xôi… mang đến. Vì vậy hiện vật cúng trên bàn thờ trong ngày giỗ rất phong phú với nhiều vật phẩm theo truyền thống địa phương. Không khí lễ giỗ ở các xã diễn ra rất ấm cúng, thân tình. Giỗ liệt sĩ cũng là giềng mối gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Sau lễ giỗ, số tiền bà con đóng góp còn lại được ban tổ chức gửi ngân hàng lấy lãi, rồi lãi nhập vốn nhân lên. Nhiều xã nguồn quỹ lên đến cả trăm triệu đồng như xã Bình Phú, Tân Bình... Từ đó tiền lãi thu được sau 1 năm cơ bản đủ trang trải chi phí cho lễ và bảo tồn được quỹ. Năm 2013, ngân sách huyện Cai Lậy còn hỗ trợ lễ giỗ liệt sĩ ở mỗi xã 2 triệu đồng.
THỦY HÀ