Người phụ nữ tàn tật, đơn thân ước mơ có một căn nhà
Bà Xuyến đan gia công hàng thủ công mỹ nghệ tại nhà anh ruột. |
Đó là bà Ngô Thị Kim Xuyến, 58 tuổi, đang sống nhờ ở nhà anh ruột cũng nghèo khó, neo đơn tại ấp Thới Hòa (Long Bình, Gò Công Tây).
Bà là con trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, bị dị tật bẩm sinh ở chân, đi lại bằng nạng gỗ từ nhỏ. Khi trưởng thành, bà Xuyến không có chồng, sống chung với mẹ, mưu sinh bằng nghề nấu rượu và xin một bé gái để nuôi.
Sau khi mẹ mất, vì không thể sống chung với vợ chồng người em út, bà đã dùng số tiền dành dụm suốt nhiều năm mua một miếng đất và cất một căn nhà nhỏ để hai mẹ con nương tựa vào nhau sinh sống cũng bằng nghề nấu rượu.
Không may, khi đứa con gái nuôi của bà Xuyến được 19 tuổi thì mắc bệnh hiểm nghèo, bà vay mượn để chạy chữa nhưng không cứu được. Sau khi con nuôi chết, bà bán nhà để trả nợ và về cất tạm một căn nhà nhỏ trên đất của người em trai ở ấp Thới An A, xã Long Vĩnh.
Đến năm 2005, thực hiện nâng cấp đường Bờ Làng (Long Vĩnh - Long Bình), nhà bà bị buộc phải tháo dỡ mà không được bồi thường.
Từ đó bà phải ở tạm nhà của mấy người em ở xã Long Vĩnh nhưng vẫn phải tự kiếm sống bằng việc đan gia công đồ thủ công mỹ nghệ và tiền trợ cấp cho người tàn tật. Vài năm trở lại đây, bà về ở tạm nhà của người anh ruột ở ấp Thới Hòa và nhận đan lát, nhưng do tuổi cao sức yếu và bị bệnh tật triền miên nên cuộc sống của bà thực sự nghèo khổ.
Chính quyền xã, nhất là Hội LHPN xã Long Bình đã bảo trợ và hướng dẫn bà làm thủ tục vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được 5 triệu đồng và vay tiết kiệm trả góp từ quỹ Chương mục tiêu của Hội LHPN 4 triệu đồng, nhưng với hoàn cảnh thực tế của bà Xuyến hiện nay việc trả nợ vay đã khó, làm sao có thể thoát nghèo!?
Điều đáng nói là, tuy có hộ khẩu, được cấp sổ hộ nghèo nhưng thực sự bà không có nhà của mình. Bà Đinh Thị Châu, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Bình cho biết, đã vận động cất nhà tình thương cho bà nhưng do bà không có đất nên đã chuyển cho người khác. Bà Xuyến thì nói khác, em ruột của bà có cho một nền đất thuộc xã Long Vĩnh và nền đất này chỉ cách ranh ấp Thới Hòa, xã Long Bình… một cái bờ con (!).
Khi được hỏi: Ước mơ lớn nhất của bà hiện nay? Rơm rớm nước mắt bà trả lời: Có được một căn nhà thật sự là của mình để đan lát kiếm tiền sinh sống và trả nợ Nhà nước rồi dành dụm phòng lúc tuổi già - một ước mơ bình dị nhưng dường như quá xa vời, khó mà thực hiện được nếu không có sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của các tổ chức, các nhà hảo tâm xa gần.
LÊ MINH HOÀNG