Thứ Hai, 29/07/2013, 13:11 (GMT+7)
.

Nguyễn Văn Hiệm: Tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”

Năm 1993, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình (Cai Lậy) Nguyễn Văn Hiệm nghỉ hưu về với ruộng vườn. Là một thương binh hạng ¾, đứng trước khu vườn rộng 1,3ha, ông không khỏi ngao ngán với bao câu hỏi bắt đầu từ đâu, trồng cây gì, liệu sức lực của thương binh có thể kham nổi?.

Khu vườn ở ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình nằm trong địa hình, trước đây bom đạn địch oanh kích tự do nên mảnh vườn lổ chổ hố bom, hố pháo.

“Những ngày đầu dựng nghiệp như thế, khó nhọc lắm cháu ơi”- ông bùi ngùi nhớ lại rồi kể tiếp: Khai hoang, xẻ lại mương, đào lại ao, lên liếp trồng cây ăn trái đã vất vả. Khi chọn trồng cây gì thì lại thấy những nhiêu khê khác. Đó là khi thu hoạch, tiêu thụ trên thị trường giá cả hết sức bấp bênh. Chưa kể cây trồng kém hiệu quả lại phải phá bỏ trồng lại cây khác. Rồi những trận lũ lớn như trận lũ thế kỷ vào năm 2000 nhấn chìm ruộng nương, vườn tược, coi như mất trắng.  Thật là “năm cơm, bảy cháo”. Đó là giai đoạn ông nếm trải.

Khởi đầu, ông trồng nhãn long, rồi nhãn tiêu. Khi nhãn long, nhãn tiêu “hết thời”, ông chuyển sang trồng sa-pô-chê. Đến lượt sa-pô-chê “lụi tàn” ông tiếp tục chuyển đổi sang trồng sầu riêng gồm các giống đặc sản: Ri 6, Chuồng Bò - đây là những giống sầu riêng chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Đó là thời điểm các năm 2005, 2006.

Ông vui mừng cho biết, sau thời gian  tìm kiếm cây, con phù hợp thì sầu riêng là lựa chọn đúng đắn nhất. Chúng rất thích hợp với điều kiện đất phù sa màu mỡ Tam Bình, chỉ sau 4 năm trồng đã cho trái, từ 6- 7 năm tuổi năng suất ổn định cao. Đặc biệt, kỹ thuật canh tác sầu riêng đã có những tiến bộ vượt bậc như: tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, xử lý cho trái theo ý muốn ...

Một điều hấp dẫn khác là trong hàng chục năm qua, giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao. Giá thấp nhất từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, cao nhất có lúc vọt lên 40.000 đồng/kg, còn trung bình 25.000 đồng/kg. Với mỗi ha đạt năng suất trung bình 20 tấn trái, người nông dân thu hoạch đạt giá trị sản xuất nửa tỷ đồng, trừ đi chi phí còn lãi không dưới 200 triệu đồng. Đó là thành quả mà ông dày công làm theo lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Ông Hiệm cho biết, gia đình ông có đến 6 người con đều đã lớn khôn, dựng vợ, gả chồng đàng hoàng và có việc làm ổn định. Còn nhớ lúc trước, khi canh tác 1,3 ha đất chuyên canh sầu riêng, mỗi năm gia đình ông thu từ 650 - 700 triệu đồng, trừ đi chi phí vẫn còn lãi ròng 300 triệu đồng.

Ngày nay, con cái khôn lớn, ông chia một ít đất đai để mỗi người lập nghiệp nên chỉ giữ lại có 4.000 m2 dưỡng già. Do vậy, hiện thời mỗi năm ông đạt giá trị sản lượng từ 4 công đất chuyên canh sầu riêng đặc sản kể trên từ 200 - 250 triệu đồng, trừ đi chi phí, còn lợi nhuận ròng trên 100 triệu đồng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng từ khi gia nhập đội du kích xã diệt ác, phá kềm (năm 1962) cho đến nay, ông Hiệm vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Ông là đảng viên cao niên gương mẫu của Chi bộ ấp Bình Hòa A luôn phát huy vai trò “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau” thông qua việc tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nông nghiệp trên lĩnh vực chuyên canh sầu riêng để bà con trong xóm ấp, trong xã cùng học tập, áp dụng có hiệu quả, góp phần giúp Tam Bình hình thành vùng chuyên canh sầu riêng trên 1.400 ha, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống dưới 7%.

Đặc biệt, vui mừng với việc Tam Bình được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, ông Hiệm nòng cốt cùng chi bộ và chính quyền ấp Bình Hòa A tuyên truyền, vận động để bà con thấu suốt các nội dung và tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, thông qua sự vận động tích cực của đảng viên cao niên Nguyễn Văn Hiệm, phong trào hiến đất làm đường có sức lan tỏa mạnh mẽ với trên 300 hộ dân trong xã hiến hàng chục ngàn m2 đất để làm đường giao thông phục vụ Chương trình xây dựng NTM. Tấm gương của ông Nguyễn Văn Hiệm thật đáng nễ phục và học hỏi!.

MỘNG TUYẾT

.
.
.