Thứ Năm, 18/07/2013, 15:56 (GMT+7)
.

Nhìn lại sau 3 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau 3 năm (từ 2010 - 2012) triển khai đã đạt được những kết quả khả quan, tạo được chuyển biến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Trên 1 triệu lao động nông thôn được dạy nghề

Sáng 17-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956).

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 thực hiện trong 11 năm (2010-2020) với mục tiêu: dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của Đề án; đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.

Theo lộ trình thực hiện Đề án, trong những năm đầu tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Phi, sau 3 năm thực hiện Đề án, hơn 1 triệu lao động nông thôn đã được dạy nghề. Trên 61% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, góp phần tăng thu nhập.

Lao động nông thôn làm việc trong một cơ sở may gia công túi xách tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy. Ảnh: Vân Anh
Lao động nông thôn làm việc trong một cơ sở may gia công túi xách tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy. Ảnh: Vân Anh

Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một bộ phận lao động ở nông thôn đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu, thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Bước đầu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai đề án 1956 cũng còn nhiều hạn chế: Công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế...

Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm ổn định

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một đề án sâu, rộng nhất từ trước đến nay. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay cơ bản đã đi đúng hướng và có những kết quả bước đầu đáng khích lệ; đồng thời tạo cơ sở để nâng cao số lượng cũng như chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt hạn chế của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần khắc phục như: Một số huyện và nhiều xã trong cả nước hiện nay chưa có Ban chỉ đạo; chất lượng chương trình dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành. Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề đối với cán bộ cấp huyện, xã hiệu quả chưa cao; việc lập, phê duyệt kế hoạch, kinh phí hỗ trợ dạy nghề ở nhiều địa phương thực hiện chưa đúng và chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra…

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt việc đào tạo nghề gắn với sản xuất, nhất là trong quá trình tập huấn lý thuyết phải gắn với thực tế. Các bộ, ngành và địa phương cũng phải đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định và bao tiêu sản phẩm cho người lao động nông thôn.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Nội vụ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức xã đến năm 2015. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tập hợp những mô hình dạy nghề hiệu quả cũng như các địa phương có cách làm tốt về đào tạo nghề để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho những địa phương khác tham khảo, nghiên cứu, học tập. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Giaó dục và Đào tạo rà soát lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ gộp lại thành một trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giới thiệu việc làm…

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cũng đề xuất nhiều kiến nghị để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tiếp theo.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.