Thứ Hai, 08/07/2013, 12:18 (GMT+7)
.

Những cảnh đời “gà trống nuôi con”

Cha con anh Mỹ trong ngày Diễm Thúy  nhận bằng tốt nghiệp đại học.
Anh Mỹ trong ngày Diễm Thúy nhận bằng tốt nghiệp đại học.

“Những năm 1978 sạ lúa, lúa chết vì ngập nước; lúa không chết thì bị rầy nâu ăn sạch, nhà nào cũng đói…”. Anh Huỳnh Văn Đê, tên thường gọi là Hai Hải (SN 1955) mở đầu câu chuyện kể về thời cơ cực. Người dân ấp Hòa Lạc Trung (Hòa Định, Chợ Gạo) thỉnh thoảng vẫn nhắc về anh - người đàn ông nghèo nuôi con như chuyện cổ tích.

Anh và chị cưới nhau do mai mối. Năm 1978 bé Huỳnh Thị Ái Uyên ra đời. Anh Hai Hải cần cù lao động mà nhà vẫn thiếu trước hụt sau. Ái Uyên được 7 tháng tuổi, vợ anh xin chồng về quê ăn giỗ mãi đến 11 ngày không về.

Nhớ con, anh đi tìm. Thế nhưng, quá phũ phàng, vợ anh quăng túi đồ của con ra chiếc giường tre xẵng giọng: “Anh thương nó thì bồng về!”. Như thấu hiểu lời mẹ, con gái quẫy đạp và bật khóc. Anh Hải bồng con lên và hỏi ý vợ một lần nữa. Chị quay lưng.

Nước mắt anh tràn theo tiếng khóc đòi sữa mẹ của con, bồng con dỗ dành thâu đêm với nước cơm pha muối. Túng quá, anh làm đơn gởi UBND xã Hòa Định xin tiêu chuẩn mỗi tuần 100g đường cho con gái.

Nghèo túng đến vậy, có mấy liếp lúa mì gần thu hoạch mà bọn trộm cũng không tha. Một lần vác con trên vai, bé ngậm lấy dái tai anh mà tưởng vú mẹ. Nhà nghèo lại đông anh em, hàng ngày anh về nhà cha mẹ ruột thập thò lấy trộm nắm gạo bỏ vào túi áo để nấu cháo cho con. Cứ thế anh nuôi con lớn lên ăn học thành tài.

Có lần chúng tôi đến nhà anh Đặng Văn Mỹ (Bình Thới A, Bình Trưng, Châu Thành) trong những ngày cận tết. Căn nhà xây ngày chị Mỹ còn sống không thay đổi từ lúc chị Mỹ trút hơi thở sau cùng ngày 28-8-1998 do căn bệnh ung thư gan ác tính. Anh Mỹ bùi ngùi chia sẻ: “Từ ngày phát hiện bệnh đến lúc vợ tôi ra đi chỉ trong vòng 6 tháng. Những ngày ấy tôi chạy khắp nơi, ai bày thuốc gì cũng tìm cho bằng được, mong giữ lại mạng sống cho vợ, để con gái không phải mồ côi!…”.

Ngày ấy bé Thúy (Đặng Thị Diễm Thúy, sinh 1990) mới 7 tuổi, đang học lớp 2. Sự ra đi đột ngột của mẹ như một cơn xoáy cuốn vào tâm hồn ngây thơ của bé. Đêm đêm bé khóc vì nhớ mẹ và cứ hỏi: “Cha ơi! Mẹ đi đâu sao không về với con!?”. Câu hỏi và những giọt nước mắt của con trẻ như những nhát chém vô hình, quặn thắt trái tim cô đơn của người cha.

Ba cha con anh Thành Minh.
Ba cha con anh Thành Minh.

Từ khi căn nhà thiếu vắng đi hình bóng dịu dàng của chị, cha con anh nương tựa với nhau để vượt qua nỗi đau tưởng chừng như đánh gục họ. Đôi tay khô ráp, vụng về của cha đã nâng niu tuổi thơ của Thúy, giúp em lớn lên từng ngày.

Càng lớn Thúy càng giống mẹ. Thương con, anh Mỹ cam chịu sống cô đơn và hóa thân thành một người mẹ để đùm bọc, chở che. Thông cảm hoàn cảnh của anh Mỹ, cơ quan (Chi cục Thuế huyện Châu Thành) đã chuyển anh về công tác tại xã nhà Bình Trưng giúp anh tiện việc chăm con.

Mười sáu năm qua, các vật dụng trong nhà hầu như không thay đổi để cha con anh nghĩ rằng chị vẫn đâu đó trong cuộc sống của họ. Gia đình đôi bên khuyên anh bước thêm bước nữa để có người chăm sóc cha con anh những khi trái gió trở trời. Năm học lớp 12 Thúy cũng nhắc cha điều đó. Nhưng nhìn vào mắt con, anh không thể, cho dù đã có người muốn chia sẻ cùng anh.

Bây giờ Thúy đã tốt nghiệp chuyên ngành Thư viện thông tin (Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh). Em tâm sự: “Lúc mới vào học năm thứ nhất con nhớ cha da diết nên tuần nào cũng về. Ngày nào con cũng điện thoại về hỏi thăm cha vì lo cho cha ở nhà có một mình không người chăm sóc. Ra trường con sẽ về công tác gần nhà để được cận kề chăm sóc cha, mặc dù cha rất muốn con làm việc ở TP. Hồ Chí Minh”. Hôm con nhận bằng tốt nghiệp, anh đã khăn gói lên chia sẻ niềm vui với con gái.

Ngôi mộ trắng nằm chếch hông nhà là nơi an nghỉ của chị Dương Thị Liệt (vợ anh Mỹ) như nhìn về ngôi nhà nhỏ ngầm động viên cha con anh Mỹ vững tin vào cuộc sống.

Trong khi nhà nhà rộn ràng chuẩn bị đón tết, trẻ con nôn nao mong chờ mẹ mua cho chiếc áo mới, thì trong một căn nhà nhỏ ở ấp Long Hòa (Quơn Long, Chợ Gạo), hai cháu Dương Thành Hiếu (4 tuổi) và Dương Thành Bé (2 tuổi) sống với ông nội để cha chúng - anh Dương Thành Minh (sinh năm 1976) hàng ngày gồng lưng với nghề thợ hồ kiếm tiền nuôi hai con thơ.

Có lẽ vì không chia sẻ nổi cái nghèo với chồng mà mẹ của hai cháu đã đành vứt áo ra đi gần 2 năm nay và nghe đâu đã có con với người đàn ông mới. Khi hỏi về mẹ, hai cháu lắc đầu không nói. Hỏi về tương lai hai con, anh Minh nhìn xa xăm: “Tôi cũng không biết nữa. Tới đâu hay tới đó!”. Đau lòng nhất là 2 đứa trẻ thiếu đi tình mẹ.

Liệu Minh có đủ sức “độc hành” để dẫn dắt con thơ đi đến bến bờ tương lai xán lạn? Câu hỏi âm thầm này làm chúng tôi quay quắt, đắng lòng. Khi hỏi nhớ mẹ không? Hai đứa trẻ ngây thơ lắc đầu. Gần 2 năm, hình bóng mẹ mờ nhạt dần trong ký ức non trẻ của hai đứa bé, nhưng đối với Minh thì nỗi đau day dứt từng đêm bởi anh còn trẻ và các con còn quá dại khờ.

Cảnh “gà trống nuôi con” của Minh quá chông chênh so với anh Hải và anh Mỹ, bởi Minh không nghề nghiệp ổn định và chăm sóc đến hai đứa con thơ. Ba của Minh bảo sẽ cho cha con Minh căn nhà nhỏ tạm bợ này để che nắng, che mưa.

Tương lai cha con họ sẽ ra sao? Câu trả lời còn ở phía trước, nhưng tình cảm Minh dành cho con đã gieo bao suy nghĩ: Giữa bộn bề cuộc sống với không ít người đàn ông chỉ quen sáng xỉn chiều say, chỉ biết sống cho riêng mình thì trong vòng xoay của cuộc đời vẫn còn bao người đàn ông tình thương con ví bằng “non thái”. Họ thức khuya dậy sớm, bồng con lên võng, xuống giường, hy sinh và dành trọn tình cảm cho con thơ khi thiếu vợ.

NGỌC LỆ

.
.
.