Theo chân người hành nghề “độc”- đổi chó
Vượt cái nắng chang chang của buổi trưa hè, theo lời chỉ dẫn của bác chủ quán “cầy tơ”, chúng tôi tìm đến lò chuyên cung cấp thịt cầy tươi cho các quán nhậu, thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành để “truy tìm” các bác hành nghề “đổi” chó.
Chú Hải cất tiếng rao là chó đuổi theo. |
Dừng xe bên đường… Trước mắt là lố nhố những bảng lò cầy, cầy tươi. Bước vào lò gần nhất, đập vào mắt chúng tôi là một nồi thịt cầy to tướng sôi sùng sục, tỏa mùi thơm phức; kế bên là mấy chiếc bàn nhỏ, vài người đàn ông đang ngà ngà say.
Hỏi thăm chủ quán, họ chỉ tay vào trong. Đón chúng tôi là một anh thanh niên cởi trần, đang hì hục cạo rửa, kế bên là một “con cầy” trắng nõn đã được mổ bụng, cạo lông, nằm sóng soài trên sàn nước. Tưởng hai chúng tôi là “mối” mới đến để đặt mua thịt, anh thanh niên niềm nở chào hỏi. Thế nhưng sau khi nghe lý do thì anh lại không muốn nói. Năn nỉ mãi, cuối cùng anh cũng chịu.
Khác với những điều tôi tưởng tượng về vẻ bên ngoài của những người đàn ông làm nghề đổi chó, chú Bảy Hải có vóc người gầy gò, nước da đen sạm, gương mặt toát lên vẻ đôn hậu, chất phác. Chú Bảy Hải niềm nở chào đón, nhưng khi biết mục đích của chúng tôi, chú bỗng ngần ngại, nhìn với ánh mắt canh giác.
Phải giải thích một hồi, những nếp nhăn trên vầng trán sạm đen khẽ giãn ra, chú kéo ghế mời chúng tôi ngồi rồi chậm rãi tâm sự: “Nghề đổi chó cũng là nghề lương thiện, buôn bán sòng phẳng, nhưng bị không ít người hiểu lầm, đánh đồng với những kẻ bất lương bắt chó trộm…”.
Chú Bảy Hải (Huỳnh Văn Hải, sinh năm 1960), làm nghề này gần 20 năm. Trước đó chú vác gạo cho nhà máy xay xát ở Bình Đức, công việc quá nặng nhọc, kham không nổi nên chú đổ bệnh. Vợ chú khuyên nên tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Thấy mấy người bạn làm nghề đổi chó cũng “có ăn” nên chú tập tành và theo nghề.
Khi chúng tôi hỏi về “công cụ” hành nghề thì chú chỉ chiếc xe đạp “đầm” màu xanh cũ kỹ có “thắng sau” tự chế bằng một chiếc dép cũ, sau ba-ga có ràng một xấp bao chỉ, cạnh hông có cặp một cây nẹp sắt dài. Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Thời này mà chú còn đi đổi chó bằng xe đạp sao? Làm thế nào để đem chó về? Còn cây kẹp sắt này để làm gì ạ!?...”. Chú mỉm cười: “Muốn biết thì sáng mai theo chú!”.
Bắt chó bằng đồ nghề tự chế. |
Đến quán cà phê Kỳ Duyên (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho), chúng tôi gặp một nhóm người ăn mặc bình dân, phía sau những chiếc xe máy cũng bình dân có hàn lồng sắt, đó là những người làm nghề đổi chó. Họ tụ tập ăn sáng, uống cà phê rồi tản đi mỗi người một hướng để khỏi “đụng hàng”.
Chú Hải giới thiệu một bạn đồng nghiệp trẻ tuổi: “Đây là chú Thuận, nhỏ tuổi hơn chú nhưng tuổi nghề lại lâu hơn. Thuận vào nghề từ khi đi xe đạp chân chống chưa tới đất”. Cũng như những người kia, Thuận đi xe máy. Chỉ chú Hải vẫn chung thủy với chiếc xe đạp như ngày mới vào nghề, bởi theo chú, đi xe đạp vào đường nhỏ tiện hơn, vừa rèn luyện sức khỏe và không tốn tiền xăng.
Sau khi hút tàn điếu thuốc và uống cạn ly cà phê, chú Hải nói: “Hôm nay, mình đi vô Xuân Đông - Chợ Gạo”. Cái dáng gầy gò của chú trên chiếc xe đạp cà tàng đã nhanh chóng hòa vào dòng xe cộ trên đường.
Chúng tôi vừa đi, vừa chuyện trò: “Tại sao lại là đổi mà không phải là mua chó hả chú!?”. Chú Hải giải thích: Ngày xưa ông bà mình quan niệm “Bán chó khó ba đời”, cho nên người ta không bán mà đổi. Qua chú Hải, chúng tôi được biết, ngày xưa tùy theo chó tốt, chó xấu mà quy đổi những vật dụng khác nhau như: thau nhôm, chiếu, mùng, mền… Có khi đổi cả bếp gaz nữa. Bởi vậy tiếng rao ngày ấy dài lắm: “Thau nhôm, mùng mền, chiếu gối đổi chó hôn!”. Bây giờ không còn đổi hàng như trước nữa, mà quy ra bằng tiền, tiếng rao cũng đơn giản: “Đổi chó hôn!”. Trung bình một con chó nặng chục ký đổi năm bảy trăm ngàn đồng.
Chiếc phà nhỏ cuối Lộ Vàm đưa chúng tôi bước vào một nơi yên bình, xanh mướt bởi những rặng dừa, bờ tre và những mảnh ruộng mượt mà. Chú nói: “Để chú rao cho chó sủa tụi con nghe chơi nha!”. Quả thực, khi chú vừa cất tiếng rao: “Đổi chó đê…” thì tiếng chó sủa ran khắp ngõ xóm. Trên nét mặt của chúng có vẻ gì đó vừa giận dữ, vừa sợ sệt. Có con vừa sủa, vừa chạy đuổi theo chúng tôi cả đoạn.
Chú chia sẻ những hiểm nguy của nghề: Làm nghề này khó tránh khỏi bị chó cắn. Chú bị cắn nhiều lần, lần nguy hiểm nhất là bị chó dại cắn ngay gót chân sâu ngập răng, chết mà vẫn không chịu nhả, phải cạy miệng nó ra. Về nhà chân chú sưng vù, đau nhức, lên Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chích ngừa, hành sốt hơn một tháng, tưởng không qua khỏi.
Có người bạn chung nghề vì tiếc con chó bị sẩy, nhào vô ôm đại nên bị nó cắn nát cả hai cánh tay, máu me be bét. Lắm khi còn phải cảnh giác bọn trẻ lấy ná thun bắn. “Nguy hiểm như vậy sao chú vẫn tiếp tục nghề này?” - tôi hỏi. Chú đáp “Nghề nghiệp mà, ban đầu cũng sợ. Bây giờ thì quen rồi, có kinh nghiệm nên ít bị chó cắn”.
Chú lại cất tiếng rao (không sử dụng loa, máy thu âm sẵn), vừa đủ vang vang trong xóm nhỏ. Tiếng chó sủa đệm theo rân trời làm náo động con đường quê vắng vẻ. Bỗng có tiếng gọi: “Chó! Chó!”. Chú đạp thắng và cười: “Có hàng rồi!”. Chú nhanh nhẹn đẩy xe vào lối nhỏ, nơi phát ra tiếng gọi.
Cuộc đổi chác bắt đầu với màn trả giá. Sau khi đã thỏa thuận, chú cầm cây kẹp sắt có hình như chiếc kéo với phần mũi được uốn tròn để bắt chó. Ánh mắt sợ sệt, con chó ra sức vẫy vùng chống cự, nhưng chiếc kẹp đã mở ra sẵn, thật gọn nhẹ chú canh ngay cổ và kẹp lại. Con chó bị vật ngửa ra, rên ư ử… Mấy con khác trong nhà đứng xa xa sủa inh ỏi chừng như kêu cứu, ánh mắt kinh hoàng.
Mở miệng chiếc bao đã được cắt ở hai góc ra, chú luồn cho mũi con chó nằm ngay góc bao đã được cắt hở cho nó thở, góc bao còn lại chú kéo đuôi cho nó thòng ra để khỏi bị cấn, rồi cột chặt bao lại, mang lên cân và trả tiền. Chú mang nó cột ra ngoài đầu xe rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Chú cười: “Lúc trẻ, chiếc xe đạp này có thể mang một lần 7 - 8 con chó. Bây giờ chó có giá hơn, người ta cũng quý nó hơn nên mỗi chuyến chỉ mua được 2 - 3 con. Có khi về tay không. Bữa nay mới đi chút xíu được vầy là hên rồi!”. Chiếc xe đạp già nua tiếp tục chạy trên con đường đất quanh co. “Đón chào” chú vẫn là những con chó sủa inh ỏi trong cái nắng trưa hè. Mồ hôi lấm tấm, chú kể: “Người đổi chó kêu mình toàn bằng “chó chó” không hà. Lâu ngày thành quen, trông cho có người kêu mình như vậy!”.
Chạy thêm đoạn đường nữa lại có người gọi đổi chó. Lần này là một con chó “hư”, chuyên cắn người và rượt gà nhà. Một mình chú, tay xách bao, tay cầm kẹp đi vào. Chúng tôi và bác chủ nhà nhìn theo lo lắng. Một khoảng lặng im đến đáng sợ. Bỗng tiếng chó kêu la dữ dội, tiếng giãy giụa vang lên. Lát sau, chú bước ra, tay cầm cái bao nặng trĩu có mõm chó ló ra. Trán chú lấm tấm mồ hôi. Chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm.
Trao tiền xong, chú lại treo cái bao có con chó lên ghi-đông xe. Chú bảo: “Con chó nào vô tay chú là “hết xài rồi”, thường là chó bệnh hoặc chó chuyên cắn người, cắn vật nuôi trong nhà”. Rồi chú nói thêm: “Không ít lần những thanh niên lạ mặt tìm chú kêu bán chó đã đánh bã với giá rẻ, bị chú kiên quyết từ chối”.
Nắng đổ trên lưng, mồ hôi nhễ nhại, những vòng xe nặng nề hơn vì có thêm hai con chó treo tòn ten hai bên ghi-đông, nhưng gương mặt chú vẫn rạng ngời vì hôm nay đã “săn” được hai “con hàng” chất lượng.
Với chúng tôi là một ngày đầy ý nghĩa để hiểu thêm về một nghề lao động chân chính. Họ luôn bị sự cạnh tranh từ những người buôn bán phi pháp, chuyên “đi đêm” đánh bã hoặc trộm chó gây hiểu lầm về nghề “đổi” chó - một nghề cũng như mọi nghề khác khi họ phải đổi lấy những giọt mồ hôi hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để có được đồng tiền nuôi sống cả gia đình.
HUỲNH NGỌC NHÃ THY
(Sinh viên Trường Đại học KHXH&NV
TP. Hồ Chí Minh)