Thứ Tư, 07/08/2013, 08:59 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Xây dựng nông thôn mới, những đổi thay và trọng tâm hướng tới

Khởi động từ 7 xã điểm vào năm 2011, đến nay Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cai Lậy đã được nhân rộng tại 25 xã, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân và đạt được những thành công bước đầu. Các tiêu chí hoàn thành và đang được địa phương tập trung thực hiện đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn văn minh, tiến bộ.

Những đổi thay tích cực

Chuyển biến rõ nét sau hơn hai năm xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy là cơ sở hạ tầng nông thôn dần hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đến nay, các xã đã đưa vào sử dụng 299 công trình cầu, đường giao thông, thủy lợi nội đồng và đang thi công 70 công trình với tổng vốn đầu tư 156,7 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thực hiện tiêu chí giao thông, nhân dân các xã xây dựng NTM đã tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu và ngày công lao động để hoàn thành các tuyến đường theo kế hoạch.

Những công trình nhà nước và nhân dân cùng làm đã thay đổi bộ mặt các xã xây dựng NTM. Điển hình tại xã Tam Bình, trong năm 2012 khi  chính quyền xã vận động hiến đất mở rộng đường, người dân đã hiến 45.000m2 đất để các công trình thi công đúng kết cấu, tiến độ.

Ba lần hiến đất mở rộng tuyến đường Miễu Bà chạy ngang trước nhà, ông Lê Tấn Huyền ở ấp Bình Hòa A không chỉ tự nguyện giải phóng mặt bằng mà còn vận động người dân xung quanh hưởng ứng để công trình sớm hoàn thành. Ông Huyền cho biết: “Qua tuyên truyền, chúng tôi đều nhận thức xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn nên góp sức theo khả năng của mình. Ai cũng thấy vui khi nhìn con đường rộng rãi, khang trang trước nhà, xe hai bánh chở nông sản lưu thông thuận tiện, rộn ràng tiếng cười nói của những tốp học sinh đến trường”.

Mô hình “Cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” ở ấp 5, xã Tân Bình.
Mô hình “Cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” ở ấp 5, xã Tân Bình.

Tập trung cho tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, các xã xây dựng NTM đều xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất phù hợp, phát huy thế mạnh kinh tế đặc thù của địa phương. Những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Tại vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa ở phía Bắc Quốc lộ 1A, ngành Nông nghiệp đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, mô hình “Thực hành công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” nhằm từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất, tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Tại các xã phía Nam Quốc lộ 1A, những năm gần đây việc sản xuất cây ăn trái đặc sản theo tiêu chuẩn GAP được nông dân quan tâm thực hiện, hướng đến thị trường tiêu thụ bền vững và xuất khẩu. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Hơn hai năm qua, có 5.500 lao động nông thôn đã được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ vốn sản xuất để phát triển những mô hình phù hợp. Với tiêu chí về an ninh trật tự, 85% xã xây dựng NTM hiện nay đã được công nhận an toàn về an ninh trật tự và giữ vững danh hiệu nhiều năm liền. Thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư, các xã đã xây dựng mới và sửa chữa 1.313 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, từng bước xóa nhà dột nát, tạm bợ.

Những trọng tâm hướng tới

Trong 25 xã xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy, hiện có 3 xã đạt từ 8 - 11 tiêu chí là: Tam Bình, Mỹ Phước Tây và Thạnh Lộc; các xã còn lại đạt từ 5 - 7 tiêu chí. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các xã đã nâng cao công tác tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể trong quá trình thực hiện. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, xã cũng được kiện toàn và nội dung đồ án quy hoạch xây dựng NTM được triển khai lấy ý kiến rộng rãi, nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế: Các ngành, đoàn thể còn thiếu chủ động trong công tác phối hợp; công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, rộng khắp nên một bộ phận người dân chưa hiểu đúng về chủ trương; còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước; việc triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã còn nặng tư tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa thật sự quan quan tâm đến nhóm tiêu chí không đòi hỏi kinh phí hoặc sử dụng kinh phí ít.

Do tập quán sinh hoạt của người dân và tình hình thực tế ở các xã nên một số tiêu chí tiến độ thực hiện còn chậm như: Tiêu chí thu nhập, tiêu chí môi trường, điện sinh hoạt, chợ nông thôn, nhà ở dân cư… Điển hình như tiêu chí môi trường hiện nay chỉ dừng ở việc tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, trong khi việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, chất thải tại khu dân cư, xây dựng nghĩa trang nhân dân vẫn chưa được quan tâm đầu tư.

Đối với tiêu chí về thu nhập, đa số hộ dân trên địa bàn huyện sống bằng sản xuất nông nghiệp, diện tích đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ nên để đạt mức 22 triệu đồng/người/năm vào năm 2013 và 29 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 còn rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động nguồn đóng góp trong nhân dân để hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Sau hơn hai năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy nhìn chung đã tạo nên những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn và cuộc sống người dân. Nhiều xã bắt đầu từ điểm xuất phát khá thấp nhưng vẫn nỗ lực hoàn thành các tiêu chí bằng sự vào cuộc tích cực.

Để đạt mục tiêu đến năm 2015 xã Tam Bình đạt chuẩn NTM và các xã còn lại đạt từ 9 - 15 tiêu chí, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cai Lậy đề ra kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của người dân với cộng đồng, rà soát chất lượng quy hoạch, tăng cường kêu gọi đầu tư và ưu tiên lựa chọn những dự án phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.