Thứ Hai, 05/08/2013, 05:51 (GMT+7)
.

Hội ND huyện Tân Phước:Đồng hành và là chỗ dựa vững chắc cho nông dân

Trong cuộc hành trình gần 20 năm xây dựng và phát triển vùng đất phèn chua Đồng Tháp Mười, Hội Nông huyện Tân Phước chung tay đóng góp phát triển nông nghiệp, là chỗ dựa đáng tin cậy giúp nông dân trong cuộc mưu sinh vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong suốt gần 20 năm qua, Hội luôn đồng hành và là chỗ dựa vững chắc cho nông dân.

Nhờ công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Hội Nông dân, năng suất  và chất lượng của nông sản ngày một nâng cao.
Nhờ công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Hội Nông dân, năng suất và chất lượng của nông sản ngày một nâng cao.

Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ huyện Tân Phước xác định nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong phát triển nông nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh khai hoang sản xuất, gắn với cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước thực trạng là một huyện vùng Đồng Tháp Mười, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, với 45% hộ nghèo, đã đặt ra cho Hội Nông dân câu hỏi và tìm lời giải đáp: Làm thế nào để giúp đỡ nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống?

Sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân, Ban Chấp hành Hội Nông dân nhận thấy, cái mà nông dân cần đó chính là kỹ thuật và vốn. Vì nông dân ở Tân Phước, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa đa số từ nơi khác đến lập nghiệp, chưa có kinh nghiệm trong xử lý phèn, chưa biết trồng cây gì để phù hợp với thổ nhưỡng.

Bên cạnh đó, phần lớn nông dân đến vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” để lập nghiệp thì điều kiện kinh tế khó khăn, nên thiếu vốn sản xuất. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Hội Nông dân quyết định đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật và giúp cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Để giúp cho nông dân nắm được kỹ thuật xử lý phèn, chăm sóc cây khóm, lúa… Hội Nông dân đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, các trạm khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y của huyện tổ chức hàng ngàn cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân.

Cụ thể, trong 10 năm đầu khi mới thành lập huyện, Hội đã tổ chức 1.000 cuộc hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thu hút 37 ngàn lượt nông dân tham dự. Từ năm 2007 - 2012, Hội đã tổ chức 928 cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 30 ngàn lượt nông dân; tổ chức 33 lớp tập huấn IPM và chương trình “3 giảm, 3 tăng”, thu hút 1.200 lượt nông dân tham dự.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Hội đã tổ chức 40 cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thu hút 1.150 lượt nông dân tham dự.

Ban Chấp hành Hội cũng đã tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay. Trong giai đoạn đầu khi mới thành lập huyện, ngoài giúp cho nông dân tiếp cận với các nguồn vốn ngân hàng, Hội còn tranh thủ vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi heo, bò, trồng khóm trong ô đê bao.

Sau 10 năm thành lập huyện, Hội đã giúp cho hàng ngàn hội viên vay, với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Hiện nay, Hội đã ký liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm giúp nông dân tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh.

Tính đến năm 2012, thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có 1.761 hộ được vay vốn, với số tiền 33,266 tỷ đồng. Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã giúp cho 7.755 hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay, với số tiền 60,399 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn vận động nông dân đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, cây con giống…

Thông qua công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn, triển khai chương trình “3 giảm, 3 tăng”… đã giúp cho nông dân nâng cao kiến thức kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới, từ đó năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng và vật nuôi ngày một nâng cao, hàng hóa nông sản ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu. Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trang trại, mô hình kết hợp VAC, VACR…với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm/hộ, nhiều nông hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và trở thành hộ khá, giàu.

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo ngày càng được lan tỏa sâu rộng trong nông dân. Chính vì vậy, số hộ nông dân sản xuất - kinh doanh luôn tăng dần qua hàng năm, trong đó có những hộ nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Tính đến năm 2004, toàn huyện có 3.691 lượt hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp xã có 2.677 hộ, cấp huyện có 734 hộ và cấp tỉnh 280 hộ. Từ năm 2007 đến cuối năm 2011, toàn huyện có 8.351 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi 3 cấp. Riêng trong năm 2012 có 2.412 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó cấp Trung ương có 1 hộ, cấp tỉnh 185 hộ, cấp huyện 469 hộ và xã (thị trấn) 1.754 hộ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước Huỳnh Tấn Khoa chia sẻ: Qua gần 20 năm đồng hành cùng nông dân, Hội Nông dân thật sử trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân huyện nhà. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội trên các phương diện, kinh tế của nông dân đã được phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ nhà ở kiên cố, phương tiện nghe nhìn và phương tiện đi lại ngày một nhiều hơn.

Thông qua phong trào hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, cây con giống, tình làng nghĩa xóm của bà con nông dân ngày càng được thắt chặt; Bộ mặt nông thôn Tân Phước đã có bước khởi sắc rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của vùng đất phèn chua Tân Phước cũng đã giảm dần qua từng năm. Cụ thể, khi mới thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo là 45%, thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 14,53%. Để có được bộ mặt nông thôn trên vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” khởi sắc như hôm nay, đó là nhờ sự chung tay, góp sức rất lớn từ Hội Nông dân Tân Phước.

TRỌNG NGUYỄN

.
.
.