Trung tâm TT nông thôn BPN: Đưa thông tin bổ ích đến người dân
Những năm gần đây, bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm Thông tin nông thôn xã Bình Phục Nhứt trở thành nơi cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân trong xã và các xã lân cận. Tìm đến với trung tâm, người dân sẽ được hướng dẫn truy cập thông tin trên Internet và in ấn tài liệu miễn phí, cũng như được cung cấp một số loại tài liệu cần thiết theo nhu cầu…
Ông Trần Văn Tốt (ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt) cho biết, Trung tâm thông tin nông thôn đã cung cấp nhiều tài liệu bổ ích và tổ chức được nhiều buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật hiệu quả. Trước đây gia đình ông trồng lúa, tuy nhiên do sâu bệnh nhiều, giá cả bấp bênh nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Dù vậy, ông vẫn không dám chuyển hẳn sang trồng màu vì lo ngại phần kỹ thuật.
Cách đây 3 năm, ông được tham gia vào một lớp tập huấn của trung tâm và mạnh dạn chuyển đổi 3 công đất sang trồng màu. Từ đó đến nay, 3 công màu của ông vụ nào cũng đều cho năng suất cao, cuộc sống gia đình vì thế cũng khá giả hơn. Ông Tốt chia sẻ: “Trong thời gian qua, tôi đã có được nhiều thông tin bổ ích qua các bản tin trung tâm phát trên đài truyền thanh xã và dự các buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, khi cần tôi cũng có thể đến trung tâm để được hướng dẫn tìm tư liệu qua mạng Internet”.
Trung tâm Thông tin nông thôn xã Bình Phục Nhứt nằm trong khuôn khổ dự án “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vĩ mô”- Hỗ trợ thực hiện Chương trình Cải cách hành chính (với sự giúp đỡ của UNDP và Chính phủ Hà Lan: Dự án VIE/02/016). Dự án được triển khai năm 2006 ở 13 xã của 10 tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong đó, Tiền Giang có 2 xã: Thanh Bình và Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo). Sau 3 năm, Trung tâm đã được UBND xã tiếp nhận và được Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm đã đón 600 lượt khách đến truy cập mạng Internet, tìm kiếm thông tin; xây dựng và tuyên truyền 24 bản tin trên các lĩnh vực; tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan cho nông dân; tổ chức 28 cuộc hội thảo và chuyển giao KHKT cho 1.500 lượt đại biểu tham dự… |
Cũng như ông Tốt, nhiều nông dân đã tìm đến Trung tâm để được hướng dẫn tra cứu tư liệu cũng như để được hướng dẫn các thông tin cần biết. Nhiều người không biết cách sử dụng Internet thì nhờ cán bộ quản lý hướng dẫn hoặc nhờ họ tra cứu tài liệu giúp.
Ngoài ra, do được đặt trong thư viện của xã nên trung tâm có thêm một nguồn tư liệu khá dồi dào và đa dạng giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin hơn. Vì thế, đối tượng đến với trung tâm không chỉ là những người nông dân mà còn có học sinh, tiểu thương và người dân làm các ngành nghề khác trong xã.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Lúc mới ra đời, khách đến đây chỉ vài người/ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nhiều người đã tìm đến Trung tâm để xin tài liệu hướng dẫn chăn nuôi, trồng cây, hoa màu…
cứ tăng dần lên. Hiện mỗi tháng có trên 100 người đến đây lên mạng truy cập, tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, mỗi tuần còn có hàng chục lượt người đến xin các tài liệu, chủ yếu là trên lĩnh vực nông nghiệp”.
Với mục tiêu ban đầu là giúp người dân tiếp cận với thông tin, giúp họ có thể tìm ra mô hình mới, phù hợp, cung cấp và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật (KHKT) nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân… Sau nhiều năm hoạt động, các cán bộ trung tâm đã có nhiều hoạt động nhằm mở rộng quy mô, nâng tầm trung tâm. Theo đó, các cán bộ phụ trách có nhiệm vụ hỗ trợ nhiệt tình cho những người tìm đến trung tâm.
Ngoài việc hướng dẫn người dân truy cập Internet tìm những thông tin phù hợp với họ, người phụ trách còn phải tìm và cung cấp mọi tư liệu theo yêu cầu của người dân, có thể in ấn, photo giúp họ, nếu cần. Với 5 máy vi tính để bàn, 1 máy vi tính xách tay cùng các loại máy móc khác như: Máy photocopy, máy chiếu, máy in, máy chụp hình, máy fax, máy ảnh kỹ thuật số… thời gian qua trung tâm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của mọi người.
Hiện tại, số người tìm đến trung tâm ngày một nhiều hơn, tư liệu họ tìm cũng đa dạng hơn. Để có thể đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của mọi người, cán bộ, nhân viên ở đây đã cập nhật và lưu trữ hàng ngàn dữ liệu, sách, băng đĩa… nhằm phục vụ người dân khi có yêu cầu. Theo đánh giá của ông Trọng, nhiều năm nay nơi này luôn tạo được sự tin tưởng của người dân.
Bên cạnh việc cung cấp tư liệu và phương tiện, Trung tâm còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, chuyển giao KHKT, dạy nghề ngắn hạn cũng như các chuyến đi tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả, thành lập các nhóm sở thích…
Ngoài ra, trung tâm còn kết hợp với Trạm Y tế xã, trường học để tuyên truyền giúp người dân về luật giao thông; phòng, chống dịch bệnh và tệ nạn xã hội. Đây cũng là những hoạt động được đánh giá khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Trọng bày tỏ: Được sự tin tưởng của người dân chính là niềm vui của các cán bộ, nhân viên nơi đây. Vì thế, chúng tôi sẽ luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để người dân có thể tìm đến và tiếp cận với thông tin; cũng như sẽ cố gắng kết hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để phục vụ người dân trong xã và các xã lân cận.
MINH CHÂU