Các cuộc ngừng việc tập thể đều được giải quyết ổn thỏa
Ngày 26-9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2013. Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tỉnh đã chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tỉnh, trong 9 tháng năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 cuộc ngừng việc tập thể và đình công không đúng trình tự pháp luật (gọi chung là các cuộc đình công), trong đó 14 cuộc đình công xảy ra ở 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại 8 cuộc đình công xảy ra ở 7 doanh nghiệp trong nước và 1 tổ hợp sản xuất.
Các cuộc đình công tập trung vào các doanh nghiệp gia công thuộc các lĩnh vực như: May mặc, giày da, túi xách, chế biến thủy sản, lắp ráp thiết bị điện tử… sử dụng nhiều lao động phổ thông.
Vụ ngừng việc tập thể ở Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (Chợ Gạo) xảy ra vào đầu tháng 9-2013 đã được giải quyết ổn thỏa do có sự phối hợp giữa các ban, ngành tỉnh, huyện. |
Hầu hết các cuộc đình công đều mang tính tự phát, không có sự tham gia của tổ chức Công đoàn, không đúng trình tự pháp luật quy định. Nội dung tranh chấp lao động tập thể chủ yếu là lợi ích như: Tập thể người lao động kiến nghị chủ doanh nghiệp nâng lương, cải thiện điều kiện làm việc, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, quy định chế độ phụ cấp, thưởng chuyên cần; cải thiện chất lượng bữa ăn…
Có nhiều nguyên nhân tranh chấp lao động dẫn đến các cuộc đình công, trong đó có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp, từ phía người lao động và có cả nguyên nhân từ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và công tác quản lý Nhà nước về lao động.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tỉnh, so với những năm trước thì trong 9 tháng năm 2013 các cuộc đình công có xu hướng tăng lên, với tính chất phức tạp, thời gian đình công kéo dài và số lượng người tham gia ngày càng đông hơn.
Mặc dù các cuộc đình công đã được giải quyết nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, cần phải quan tâm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kịp thời xử lý nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động tỉnh và các đại biểu đã đề ra những biện pháp ngăn ngừa xảy ra đình công, định hướng giải quyết đình công trong thời gian tới, trong đó có giải pháp trực tiếp, trước mắt và lâu dài như: Sớm thành lập Tổ Công tác và xây dựng Quy chế làm việc của Tổ ở các huyện, thị, thành chưa thành lập.
Các cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện cần chủ động hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách về lao động, nhất là các chính sách liên quan đến tiền lương, thu nhập; thường xuyên phối hợp, theo dõi và nắm bắt thông tin, các nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp lao động, nhất là ở các thời điểm nhạy cảm (thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng, các ngày cận Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…).
Khi có tranh chấp lao động dẫn đến đình công, Tổ công tác liên ngành cấp huyện chủ động tiếp cận doanh nghiệp, nắm tình hình, đề xuất UBND huyện sớm ổn định tình hình an ninh trật tự và thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng trình tự quy định tại Quy chế phối hợp 3479/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động để doanh nghiệp và người lao động hiểu biết đầy đủ và chấp hành; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động; thành lập và củng cố hoạt động của tổ chức Công đoàn…
PHƯƠNG NGHI