Thứ Năm, 19/09/2013, 17:22 (GMT+7)
.
Chương trình tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo của Báo Ấp Bắc:

“Đèn lồng” thôi “treo cao”

Vì hoàn cảnh khó khăn nên nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có được chiếc lồng đèn, hay nếm vị bánh trung thu, có chăng là những nhọc nhằn mưu sinh, khiến các em không kịp nhận ra Trung thu là ngày vui dành cho mình.

Để giúp các em có được "Đêm hội trăng rằm" thật ấm áp, ý nghĩa, ngày 18-9, Chương trình tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo của Báo Ấp Bắc đã trao 1.000 phần quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Niềm vui của học sinh khi nhận món quà đầy ý nghĩa trong dịp Tết Trung thu.
Niềm vui của học sinh khi nhận món quà đầy ý nghĩa trong dịp Tết Trung thu.

* “Đèn lồng treo cao”

Truyện ngắn Đèn lồng treo cao của nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang kể về cô bé bị bệnh tâm thần, mồ côi mẹ và thích chơi lồng đèn mỗi khi mùa Trung thu về. Người cha là ông giáo già, dù nghèo nhưng vẫn cố gắng mua chiếc lồng đèn thật xinh cho cô gái trong mỗi Tết Trung thu. Không may, người cha qua đời, những chiếc lồng đèn xanh đỏ đơn sơ đã trở nên quá tầm tay với của cô gái…

Câu chuyện ấy đã được nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang kể cách đây gần 20 năm, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy bùi ngùi. Bởi hiện nay, cuộc sống của một số người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, nên ước mơ có chiếc lồng đèn, cái bánh trung thu thơm lừng để cùng bạn bè vui trong lễ hội trăng rằm đã trở nên quá tầm tay.

Hoàn cảnh của dì Nguyễn Thị Lương (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) là một  trường hợp như vậy. Lấy chồng nhưng hôn nhân đổ vỡ, con gái dì Lương ôm 3 đứa con về tá túc bên ngoại. Cũng vì nghèo mà đứa cháu ngoại trai của dì bệnh sốt thương hàn rồi mất. Con gái của dì đi TP. Hồ Chí Minh làm mang theo đứa con gái út, còn một đứa (Trần Thị Kim Thoa) gởi ngoại nuôi.

Cháu Thoa hiện đang học lớp 13, trường Tiểu học Phan Lương Trực. Nhà dì Lương không có đất sản xuất, phải chạy gạo ăn từng bữa, nên dù thương cháu, nhưng không có năm nào dì dám mua cho cháu cái bánh trung thu, hay chiếc lồng đèn cho cháu vui lễ hội trăng rằm cùng bạn bè. Dì Lương bùi ngùi: “Mỗi lần đến Tết Trung thu, thấy con cháu người ta có bánh để ăn, có đèn để chơi, còn cháu mình không có cũng buồn lắm. Nhưng cái ăn còn lo chưa đủ, huống gì lo đến cái chơi”.

Cháu của dì Lương không phải là trường hợp cá biệt ở cái xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Cái Bè. Chúng tôi vào lớp 13, trường Tiểu học Phan Lương Trực, nơi cháu của dì Lương học. Lớp có 31 em, hỏi em nào chưa có lồng đèn thì có đến 17 em đưa tay. Chúng tôi hỏi tiếp, em nào chưa có bánh trung thu thì có đến 20 em rón rén đưa tay.

Cô Hồ Thị Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 13 cho biết: lớp có 31 em nhưng có đến hơn 10 em thuộc gia đình nghèo và cận nghèo. Nhiều em đi học mà không có sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, giáo viên phải đi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho các em.

Tương tự như vậy, lớp 22 của trường Tiểu học Phan Lương Trực cũng có 31 học sinh, nhưng có đến 25 em chưa có bánh trung thu, 14 em chưa có lồng đèn và 7 em chưa bao giờ ăn bánh trung thu. Còn lớp 31, trường Tiểu học Mỹ Thành Bắc I có 30 thì có 25 em chưa có lồng đèn, 24 em chưa có bánh trung thu. Bởi vì lớp có 30 em, nhưng có đến 6 em thuộc hộ nghèo và 10 em thuộc hộ cận nghèo…

Nhiều em chỉ biết bánh trung thu là vì thấy người ta bày bán ngoài chợ, hoặc xem trên tivi. Chúng tôi bùi ngùi khi nghe em Trần Văn Công (lớp 13, trường Tiểu học Phan Lương Trực) bộc bạch: Từ hồi đó đến giờ em chỉ thấy bánh trung thu trên tivi chứ chưa có ăn lần nào. Cũng phải thôi, vì Công có đến 6 anh em, nhà lại không có đất sản xuất, cha mẹ phải đi giăng lưới, làm mướn để kiếm sống qua ngày. Lo cái ăn còn chưa đủ, tiền đâu mua bánh trung thu cho con ăn, mua lồng đèn cho con chơi.

Thầy Nguyễn Văn Thấy, Bí thư Chi bộ trường Tiểu học Phan Lương Trực cho biết: Năm học 2012-2013, trường có đến 25% học sinh thuộc hộ nghèo. Còn năm học này, toàn trường có 613 học sinh thì có đến 102 em thuộc hộ nghèo, chưa kể số học sinh thuộc hộ cận nghèo. Do kinh phí khó khăn, nên hàng năm nhà trường phải đi vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ kinh phí để tổ chức Trung thu cho các em. Tuy nhiên, ở xã thuộc vùng sâu, vùng xa thì việc vận động cũng hết sức khó khăn. Vì vậy, hầu như năm nào cũng thiếu bánh trung thu để chia cho các em.

* Mang Trung thu đến với trẻ em khó khăn

Tết Trung thu lại về. Báo Ấp Bắc lại tiếp tục làm chiếc cầu nối, mang những phần quà trung thu ấm áp nghĩa tình của các cơ sở sản xuất bánh trung thu, các đơn vị, nhà hảo tâm đến với các xã vùng sâu, vùng xa.

Gặp lại em Trần Thị Kim Thoa, cháu của dì Lương. Xách chiếc lồng đèn trên tay, mắt Thoa lấp lánh: “Vậy là Tết Trung thu năm nay, con có lồng đèn để chơi với các bạn và có bánh để ăn rồi. Con vui lắm!”.

Còn em Nguyễn Hữu Luân, học sinh lớp 52, trường Tiểu học Ngô Văn Nhạc (Mỹ Tân, Cái Bè) chia sẻ niềm vui: “Tuổi thơ của chúng cháu có lẽ gặp nhiều khó khăn hơn các bạn học sinh ở thành thị. Thật là sung sướng, hạnh phúc vì Tết Trung thu năm nay được các cô, chú ở Báo Ấp Bắc đến tặng quà. Đó là những kỷ niệm mà suốt cuộc đời em không thể nào quên!”.

Lãnh đạo và nhân viên Báo Ấp Bắc trao quà trung thu cho học sinh xã Tân Hòa Đông (Tân Phước).
Lãnh đạo và nhân viên Báo Ấp Bắc trao quà trung thu cho học sinh xã Tân Hòa Đông (Tân Phước).

Bước vào lần tổ chức thứ 10, Chương trình Tặng quà Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Báo Ấp Bắc tiếp tục mang những phần quà đầy ắp nghĩa tình đến với các xã còn nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa của 3 huyện: Tân Phước, Cai Lậy và Cái Bè. 5 xã mà Chương trình đi qua đều mang theo những ánh mắt, tiếng cười lấp lánh niềm vui cùng lời nhắn nhủ của các em: Năm sau các cô, chú về nữa nghen!

Dù rất muốn quay trở lại với các em, nhưng còn nhiều địa phương Chương trình vẫn chưa đến được. Tuy nhiên, những người tổ chức Chương trình vẫn tâm niệm, trong những mùa Trung thu tới sẽ cố gắng vận động nhiều phần quà hơn nữa để quay lại với các em trong thời gian sớm nhất.

Tết Trung thu lại về, hương thơm đậm đà của chiếc bánh trung thu lan tỏa, những chiếc đèn lồng đã được thắp lên, lung linh ánh nến ở những vùng sâu, vùng xa, nơi Chương trình đã đi qua.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.