Để giảm tranh chấp lao động, phải cộng hưởng trách nhiệm từ hai phía
Tiền Giang hiện có hơn 3.190 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 120 ngàn lao động, một mặt tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh, mặt khác cũng phát sinh không ít vụ ngừng việc tập thể hoặc lãn công tập thể, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là ở một số khu, cụm công nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể
Trong làm ăn chẳng bao giờ có ai muốn “nội bộ lục đục”, chính vì vậy việc xảy ra tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể là chuyện chẳng đặng đừng giữa các “ông chủ” và người lao động (NLĐ). Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có không ít các vụ ngừng việc tập thể, lãn công, xem qua thì có nhiều nguyên nhân.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế suy thoái, việc làm ít, lương bị thắt chặt trong khi chính sách tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định chậm được điều chỉnh kịp thời, vật giá cứ nhích theo chiều “thẳng tiến” khiến đời sống NLĐ đủ mối lo, còn có những nguyên nhân bắt nguồn từ mối quan hệ chưa được hài hòa giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
Thực tế một số vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, nếu xét lỗi về phía DN thì chủ yếu là chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, nhất là điều kiện làm việc chưa tốt cộng với mối quan hệ làm việc giữa quản lý và NLĐ “chỗ này, chỗ nọ” chưa ổn lắm…
Còn về phía NLĐ cũng không ít trường hợp gọi nhau ngừng việc tập thể bên cạnh nguyên nhân chính đáng do bức xúc về đời sống (thu nhập) thì cũng kèm những chuyện hết sức “vu vơ” như do DN lấy lại thẻ của một số công nhân và không cho vào làm việc vì đã… hết hợp đồng lao động (?!), công nhân xin nghỉ phép năm nhưng DN không cho, công nhân không thích thái độ của cán bộ quản lý, hay thấy người ta làm thì mình cũng làm theo, như có vụ ngừng việc tập thể ở DN này do công nhân “nghe nói” bên DN bạn đã tăng lương cơ bản cho NLĐ, sau khi Công đoàn đứng ra giải thích các quy định về pháp luật thì mọi việc mới yên; thậm chí có trường hợp ngừng việc tập thể từ nguyên nhân hết sức “lãng xẹt” như công nhân làm thêm giờ nghỉ trưa gây ồn ào, ảnh hưởng người khác ngủ trưa (!)...
Tuy nhiên, bản thân người viết cho rằng cần có sự thông cảm nhất định vì nhiều trường hợp công nhân phải làm việc với cường độ cao, thời gian làm việc kéo dài nên cũng ít nhiều làm hạn chế cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng nghề và tham gia các hoạt động hữu ích khác trong cộng đồng để có những ứng xử thích hợp;
Đặc biệt chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính của việc “thiếu chuẩn”, dễ bị lôi cuốn vào các cuộc ngừng việc tập thể, lãn công do phần lớn NLĐ là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo trường lớp cơ bản về chuyên môn, tay nghề, thậm chí không ít người xuất thân từ nông thôn, nên nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tác phong lao động công nghiệp chưa cao, hạn chế nhất định trong nhận thức về giai cấp công nhân, về tổ chức Công đoàn nên dễ bị cuốn vào các tranh chấp lao động.
Chăm lo đời sống người lao động là cách nhiều DN lựa chọn
Để hướng tới việc công nhân xem “DN là nhà”, nhiều DN chọn cách quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ là ưu tiên hàng đầu. Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh, trong 5 năm qua, ngoài vai trò của các cấp chính quyền và Liên đoàn Lao động trên địa bàn tỉnh trong cải thiện tốt hơn đời sống của công nhân lao động như thành lập nhiều khu nhà trọ công nhân tự quản gắn với tổ hòa giải, khuyến khích NLĐ tham gia phong trào thi đua “Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn giao thông”, vận động trao tặng 748 “Mái ấm Công đoàn” cho NLĐ nghèo...
Về phía DN cũng có nhiều động thái chăm lo khá hiệu quả như có 5 DN chủ động xây dựng nhà ở cho công nhân với tổng diện tích nhà ở 11 ngàn m2, gần 1.200 lao động được bố trí nhà ở, 3 DN xây dựng nhà trẻ cho con công nhân với tổng số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng; nhiều DN đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, trợ vốn cho công nhân lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Nhiều DN đã tổ chức tốt việc cải thiện môi trường làm việc, điều kiện làm việc, trang bị nâng cấp máy móc hiện đại giảm sức lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà và ký kết thỏa ước lao động tập thể với những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ;
Kịp thời nắm tình hình của NLĐ để giải quyết thỏa đáng những yêu cầu chính đáng của NLĐ, giúp họ an tâm công tác, gắn bó với DN, ví dụ như tại Công ty TNHH VBL Tiền Giang, NLĐ làm việc 4 năm sẽ được thêm 1 ngày nghỉ phép năm (luật quy định là 5 năm) hoặc tất cả các chế độ, chính sách của NLĐ đều được đưa vào quy chế và căn cứ vào đó để thực hiện, không phải xin ý kiến hoặc bàn bạc nhiều lần, mất thời gian;
Công ty cổ phần May Sông Tiền cho xe đưa đón công nhân hàng ngày, lo ăn sáng, ăn trưa miễn phí (kể cả nâng tiền ăn trưa để thêm “chất tươi”), công nhân có con gởi nhà trẻ được hỗ trợ tiền tuy không nhiều nhưng cũng giúp nhiều công nhân ”vượt khó”...;
Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP Gò Đàng, Công ty Royal foods, Công ty xuất nhập khẩu Thực phẩm Á Châu cũng luôn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, thậm chí có DN còn sáng tạo ra cách làm rất thiết thực như mở “Căng tin Công đoàn”, mở cửa hàng phục vụ hàng hóa thiết yếu cho công nhân với “giá có hỗ trợ” và cho chậm trả tới kỳ lương, chính vì vậy tại các DN này việc ngừng việc tập thể, lãn công khá là... hiếm hoi!.
Giải pháp giảm tranh chấp lao động
Rõ ràng trong khi đời sống công nhân còn nhiều khó khăn, việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ chính là cách chọn lựa tốt nhất của DN. Thực tế trên cho thấy ở nơi nào các “ông chủ” biết cách chăm lo từng việc nhỏ liên quan đến đời sống công nhân lao động thì DN sẽ nhận được sự đóng góp hết mình của NLĐ, khi ấy NLĐ chắc chắn cũng sẽ biết cách chia sẻ với những khó khăn của DN.
Tuy nhiên, ngoài giải pháp căn cơ trên, thì về phía quản lý Nhà nước công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật lao động cũng không thể buông lỏng, nhất là tại các DN thường xuyên “có vấn đề”; giao rõ trách nhiệm cho cấp cơ sở (tổ công tác liên ngành cấp huyện, hòa giải viên lao động) nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, nhanh chóng phát hiện để kịp thời đề xuất giải quyết tranh chấp lao động; tăng cường vai trò của công đoàn cơ sở tại DN - hiện toàn tỉnh có 185 DN đã có tổ chức công đoàn cơ sở với 53.996 công đoàn viên - đây là một “lực lượng nòng cốt” trong giải quyết tranh chấp lao động, ổn định tình hình.
Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền, cần có những mô hình mới phù hợp, hiệu quả như mô hình tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động qua hình thức loa truyền thanh cho công nhân trong những giờ nghỉ giữa ca; tổ chức “Nghe công nhân nói - Nói công nhân nghe” hoặc tận dụng thời gian tuyên truyền bằng băng, đĩa trên xe đưa rước công nhân mỗi ngày; tuyên truyền tại các khu nhà trọ công nhân tự quản; tổ chức các đoàn tư vấn pháp luật lưu động tại DN; tổ chức các hội thi về pháp luật lao động...
Bên cạnh đó, thiết nghĩ cũng cần kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách tiền lương tối thiểu phải đảm bảo phản ánh được giá cả sức lao động trên thị trường, có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi NLĐ khi họ ký giao kết hợp đồng lao động với chủ DN, đảm bảo được quyền lợi về tiền lương và quyền lợi về bảo hiểm xã hội, tránh sự lợi dụng hoặc o ép của chủ sử dụng lao động, cũng như những yêu cầu có khi “quá đà” của NLĐ, góp phần tạo mối quan hệ hài hòa, thật sự cộng hưởng trách nhiệm từ hai phía là chủ sử dụng lao động và NLĐ trong DN để cùng hướng tới mục tiêu phát triển DN nói riêng, phát triển kinh tế địa phương nói chung, gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh...
QUỐC ANH