Khơi thông nguồn lực đầu tư nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong 3 năm qua, tổng kinh phí được đầu tư cho xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn là 30.180 tỷ đồng với trên 9.000 hạng mục công trình. Trong đó đã nâng cấp, xây mới khoảng 38.000km đường giao thông, 15.000km đường kênh mương.
Các làng nghề được bảo vệ trong xây dựng NTM nhờ thị trường xuất khẩu. |
Theo chủ trương ban đầu đề ra, 40% nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM được huy động từ ngân sách Nhà nước, 20% từ doanh nghiệp – HTX và 10% do người dân đóng góp. Tuy nhiên, thực tế trong 3 năm qua, vốn từ ngân sách Nhà nước vẫn chiếm tới 50% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình, trong đó ngân sách T.Ư huy động 4.920 tỷ đồng, ngân sách địa phương 30.091 tỷ đồng, còn doanh nghiệp mới chỉ đóng góp được 5%, rất thấp so với mục tiêu.
Xây dựng NTM là một chương trình lớn, được triển khai trên phạm vi toàn bộ 9.052 xã của cả nước. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015, cả nước có 20% số xã đạt chuẩn NTM, tương đương khoảng 1.800 xã. Để đạt được mục tiêu trên, cần nguồn lực khá lớn, trong đó đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hiện nay số lượng doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, doanh nghiệp ở nông thôn chỉ chiếm khoảng trên 30%. Trên thực tế, doanh nghiệp nông thôn thường có quy mô nhỏ và lợi nhuận thấp hơn, điều đó cho thấy các chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn chưa phát huy được hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần nhìn nhận chương trình xây dựng NTM là một cơ hội để phát triển. Hiện nay, cơ hội hợp tác công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là rất rộng mở như xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp nước sinh hoạt, thu gom - xử lý rác thải, chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động…
Dưới góc độ chuyên môn, ông Ngô Tiến Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp lại cho rằng, các doanh nghiệp nảy sinh tâm lý ngại đầu tư vào nông nghiệp là do tâm lý “ngại” khu vực đầu tư này có xác suất rủi ro cao, thu hồi vốn chậm trong khi sản xuất còn phân tán, thiếu quy hoạch...
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng nhiều nơi vẫn coi doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM chỉ là việc huy động tiền hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu, đường hay từ thiện… Cần phải xác định lại ý nghĩa của việc doanh nghiệp đầu tư, gắn bó với nông dân trong sản xuất, chế biến để nâng cao được thu nhập cho người dân. Đây mới là yếu tố bền vững của xây dựng NTM.
Ông Tiến cũng nhận định, trong thời gian qua, không riêng gì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mà các bộ, ngành khi đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng còn lúng túng.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên trong 3 năm qua, hiệu quả của việc triển khai Nghị định 61 còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do cơ chế còn chung chung và số tiền hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là lấy từ ngân sách địa phương trong khi những tỉnh nghèo, nguồn lực còn rất hạn chế.
Gỡ từ cơ chế
Ông Ngô Tiến Dũng cho rằng cách tốt nhất để tháo gỡ “nút thắt” này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Muốn vậy, cần ban hành những chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, nếu không có cơ chế để doanh nghiệp và nông dân gắn kết với nhau trên quan hệ đối tác thì việc đầu tư này sẽ còn nhiều bất cập: kỳ vọng tăng hàm lượng chất xám trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị và lợi thế cạnh tranh của nông sản sẽ rất khó thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 61 theo hướng cơ chế thu hút doanh nghiệp phải cụ thể vào từng nội dung trọng tâm của từng tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng đã có tờ trình đề xuất sửa đổi cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Quan điểm sửa đổi của Bộ là đi trúng vào mặt hàng, ngành nghề cụ thể, gắn với quy hoạch và đào tạo nghề.
Cùng với đó, để tăng nguồn lực cho các địa phương cần có cơ chế điều phối chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tăng cường phân cấp tối đa cho cấp tỉnh, thành phố. Như vậy, các tỉnh, thành phố sẽ quyết định việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ các chương trình, dự án cho hiệu quả trên địa bàn phù hợp với các tiêu chí NTM ưu tiên thực hiện.
(Theo chinhphu.vn)