Phát huy vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CSPCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 735 đội dân phòng làm công tác PCCC, bố trí tại xã, phường, thị trấn, khu dân cư… Đây là lực lượng tại chỗ có thể giải quyết tốt nhiệm vụ chữa cháy ở cơ sở khi đám cháy mới phát sinh theo phương châm 4 tại chỗ: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Ngoài ra, còn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phòng ngừa cháy nổ trong nội bộ nhân dân.
Lực lượng dân phòng tham gia thực tập phương án chữa cháy ở khu dân cư. |
Chính sự quan trọng này, Luật PCCC năm 2001 quy định: “Lực lượng dân phòng là nòng cốt trong công tác PCCC và là lực lượng tại chỗ có thể giải quyết tốt nhiệm vụ phòng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống cháy xảy ra”. Cũng theo điều 3, điều 4 - Luật PCCC:
“Đội dân phòng gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn ANTT nơi cư trú. Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Như vậy, nguyên tắc PCCC theo phương châm 4 tại chỗ được giải quyết, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hoạt động của các đội chữa cháy dân phòng này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của phòng CSPCCC và CNCH thì chất lượng hoạt động của lực lượng này nhiều nơi chưa hiệu quả. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngân, Trưởng CA xã Long An, huyện Châu Thành cho biết: “Hiện trên địa bàn xã, mỗi ấp đều có thành lập đội dân phòng theo quy định; tuy nhiên các đội này hoạt động kiêm nhiệm, vừa làm công tác giữ gìn ANTT, vừa làm công tác PCCC. Ở đây các anh em tham gia vào đội dân phòng trên tinh thần tự nguyện và hiện xã không có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ.
Vì vậy, ngoài nhiệm vụ, họ còn đi làm để có thu nhập. Nếu không may có xảy ra cháy tại địa bàn thì anh em không có mặt ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, công cụ, phương tiện chữa cháy cũng không đáp ứng yêu cầu, điều này xã cũng không có kinh phí trang bị; việc tập huấn nghiệp vụ chữa cháy cũng không mang tính thường xuyên…”
Thực tế vừa qua, mặc dù lực lượng chữa cháy tại chỗ phát hiện rất sớm, nhưng do không có phương tiện chữa cháy nên không xử lý kịp, đơn cử như trường hợp trại nuôi cút của ông Hồng Văn Hùng, ấp Long Bình, xã Long An đã bị thiêu rụi toàn bộ diện tích 150m2, trong đó có gần 7.000 con cút đang đẻ và 8 con heo. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng cứu với 3 xe chữa cháy và huy động 50 cán bộ, chiến sĩ chữa cháy, sau gần 2 giờ đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn, rất may là không có thiệt hại về người.
Vẫn biết rằng, khi cháy xảy ra, việc cứu chữa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về điều kiện thời tiết, con người, phương tiện, ý thức trách nhiệm… Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu công tác phòng ngừa được thực hiện tốt, trang bị đầy đủ. Có thể, lúc bình thường ít ai quan tâm đến điều này, nhưng một khi có sự cố xảy ra mới thấy được hiệu quả của công tác phòng ngừa.
Không chỉ riêng trên địa bàn xã Long An mà nhiều nơi trong tỉnh, các đội dân phòng còn có nhiều hạn chế về trang bị PCCC kể cả kiến thức, kỹ năng, trang thiết bị cũng như chế độ tài chính để động viên tinh thần, trách nhiệm. Rất nhiều nơi, đội dân phòng phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giữ gìn ANTT ở khu dân cư, nhưng ít quan tâm đến vai trò PCCC. Trong khi đó, nếu xảy ra sự cố cháy nổ, hậu quả rất nặng nề.
Để những người “lính dân phòng” thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ: góp phần đảm bảo ANTT và an toàn PCCC ở khu dân cư, các ngành chức năng và địa phương cần có sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng này như quy định cụ thể về quy mô, biên chế lực lượng, trang bị phương tiện PCCC phù hợp với thực tế cơ sở.
Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng chữa cháy bằng cách đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và đặc biệt là có chính sách đãi ngộ phù hợp… Có như thế mới đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, góp phần kiềm giảm và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.
SONG KHÁNH