Thứ Tư, 18/09/2013, 09:27 (GMT+7)
.

Từ chuyện một học sinh tự vẫn: Cần theo dõi tâm lý tuổi mới lớn

Vì mặc cảm khuyết tật ở vùng mặt nên tối 13-9 em N.T.X.M, học lớp 101, Trường THPT Vĩnh Kim đã thắt cổ tự vẫn tại nhà. Sự ra đi đột ngột của em để lại bao đau đớn trong lòng người thân, thầy cô và bạn bè. Qua đó cho thấy, vấn đề theo dõi diễn biến tâm lý và tháo gỡ kịp thời gút mắc của trẻ em, nhất là các em ở độ tuổi mới lớn là điều rất cần thiết.

Thầy Trần Trọng Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim cho biết: N.T.X.M. vừa đậu vào trường với số điểm khá cao (38,5 điểm) và được xếp vào lớp “mũi nhọn” của trường. Chị của M. cũng là học sinh của trường, học rất giỏi và đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, khi nghe tin em tự vẫn và ra đi, nhà trường rất bất ngờ!

Thầy Hồ Quang Đức, giáo viên chủ nhiệm của X.M. cho biết: Em là học sinh hiền lành, ít tiếp xúc với bạn bè nhưng học khá tốt. Do chỉ mới tiếp xúc với em khoảng hơn 1 tháng nên khó đánh giá hết các mặt, nhưng theo nhận định ban đầu, em ít nói, các biểu hiện khác thì bình thường, chưa hề có bất kỳ biểu hiện nào bất thường tại lớp trong hơn 1 tháng qua.

Lê Minh Tú, lớp trưởng lớp 101 tâm sự: “Nghe tin bạn M. mất, tất cả tụi em đều rất bất ngờ, bởi bạn không có biểu hiện gì lạ. Hồi học trung học cơ sở, bạn ấy vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng với bạn bè. Vào năm lớp 10, do bạn bè mới nhiều nên bạn X.M. có vẻ lặng lẽ, e dè trong giao tiếp. Tuy nhiên, X.M. vẫn học tốt. Bạn bè cùng lớp đều có chung nhận xét X.M. hiền lành, ít nói, được các bạn trong lớp tôn trọng và không ai trêu chọc bạn. Trong ngày 13-9, M. có vẻ buồn hơn mọi ngày, tụi em có hỏi nhưng bạn không nói gì”.

Theo lời của mẹ X.M, em bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, đã phẫu thuật 2 lần (1 lần lúc 2 tuổi và 1 lần lúc 3 tuổi), tuy nhiên gương mặt em vẫn chưa thể trở lại bình thường. “Vợ chồng tôi đã chuẩn bị tiền để mùa hè tới sẽ đưa con đi phẫu thuật chỉnh hình tiếp tục. Biết ý định này của ba mẹ nhưng X.M. không có ý kiến gì.

Thời gian gần đây, thỉnh thoảng con có biểu hiện khá lạ, hay ôm chặt và nói là rất thương mẹ. Một lần cách nay hơn 2 năm và 1 lần cách nay 2 tháng con muốn tìm đến cái chết nhưng gia đình phát hiện kịp. Sợ con tiếp tục nghĩ quẫn, vợ chồng tôi luôn theo dõi sát con, ngày nào ba cháu cũng đưa đón đến trường và lúc nào cũng có người ở bên cạnh để trò chuyện, động viên con. Vậy mà, chỉ sơ hở một chút…” - mẹ X.M. nghẹn ngào nói.

Theo ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý và Giáo dục tỉnh, những nguyên nhân được xác định đưa đến hành vi tự tử thường không nghiêm trọng đối với người lớn, nhưng ở lứa tuổi các em (đặc biệt là lứa tuổi 14 - 15) thì khác, bởi lứa tuổi này các em rất dễ bị dao động tâm lý. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phải quan tâm các em nhiều hơn.

Trong năm học này, thực hiện chỉ thị của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm ngoài việc rèn luyện đạo đức, kỹ năng cho học sinh, cần có những cách tiếp cận, quan tâm, giúp các em vượt qua một số trở ngại tâm lý (nếu có).

Hội Khoa học, Tâm lý và Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng một số mô hình về ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục; đẩy mạnh hoạt động tư vấn về hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT để tiếp cận, giải tỏa tâm lý các em, tránh trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.

MINH CHÂU

.
.
.