Từ tháng 1-2014: Thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung
Hệ thống hưu trí đa tầng bổ sung cho tầng hưu trí cơ bản hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp giữ được người tài và người lao động có thêm thu nhập.
Ngày 26-9, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo lấy ý kiến thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí (BHHT) bổ sung.
Tính thực tiễn của Đề án
Chính sách BHHT bổ sung sẽ giúp người lao động có mức lương hưu cao hơn. Ảnh minh họa |
Tại nước ta, hệ thống BHHT hiện tại là hệ thống đơn tầng với sự hiện hữu của chính sách BHHT do Nhà nước tổ chức, quản lý và vận hành. Quỹ BHHT hiện hành đang đối mặt với những khó khăn về việc tăng số chi trả, giảm số dư tồn quỹ và có khả năng hết quỹ nếu không có các cách thay đổi trong chính sách.
Chính sách BHHT bổ sung là một trong các chính sách an sinh xã hội của hệ thống đa tầng, đã được chứng minh sự phù hợp và thành công tại nhiều nước ở nhiều mức độ phát triển kinh tế khác nhau.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, các nghiên cứu cho thấy nhu cầu triển khai chính sách BHHT bổ sung là hiện hữu và đang có một số doanh nghiệp (DN) tự thực hiện theo mô hình các công ty mẹ ở một số nước. Tuy nhiên, vì chưa có khung pháp lý cho chính sách BHHT bổ sung nên việc thực hiện trên diện rộng chưa áp dụng được.
Với mục tiêu nghiên cứu, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đồng thời đáp ứng mục tiêu gia tăng quyền lợi hưu trí cho người lao động khi về hưu cũng như hỗ trợ cho các DN, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ Đề án triển khai thực hiện thí điểm chính sách BHHT bổ sung.
Xây dựng khung pháp lý
BHHT bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho hưu trí cơ bản mang tính chất bắt buộc. Các khoản đóng góp cho người lao động và DN sẽ hình thành quỹ hưu trí bổ sung do các tổ chức có chức năng quản lý giám sát. Tài sản và quyền lợi hình thành từ đóng góp của người lao động sẽ được quản lý theo hình thức tài khoản cá nhân, được đầu tư và tích lũy dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện cho việc triển khai chính sách này, Nhà nước sẽ có các ưu đãi thuế ở mức phù hợp và ban hành hướng dẫn cần thiết cho việc triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, mục tiêu chính của việc triển khai thí điểm chính sách BHHT bổ sung ở nước ta là nhằm xây dựng khung pháp lý để hình thành hệ thống hưu trí đa tầng bổ sung cho tầng hưu trí cơ bản hiện nay, giúp DN giữ được người tài và người lao động có thêm thu nhập.
Một số điều kiện cơ bản đã sẵn sàng
Trong buổi hội thảo, các bên tham dự cũng đã cùng trao đổi về mô hình tổ chức hoạt động khi triển khai chính sách BHHT bổ sung. Theo đó, quỹ BHHT bổ sung sẽ do các công ty quản lý quỹ quản lý và được các tổ chức độc lập giám sát; tài sản của quỹ được lưu ký tại ngân hàng độc lập với công ty quản lý quỹ.
Hoạt động của quỹ sẽ được kiểm toán định kỳ và một số tổ chức sẽ được sử dụng để quản lý và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tại Hội thảo, đại diện của các tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý quỹ, giám sát quỹ đều đã trình bày sự sẵn sàng cung cấp tất cả các dịch vụ cần thiết cho việc triển khai chính sách BHHT bổ sung.
Theo Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) Trần Thanh Tân, nhu cầu khách hàng về việc triển khai chính sách BHHT bổ sung, trong đó hầu hết là các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài như Metro Cash & Carry Vietnam, Petro Việt Nam, Ajinomoto… đã có từ lâu, nhưng chưa thực hiện được. Với việc quỹ BHHT bổ sung chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ sẽ có đóng góp lớn làm gia tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu và nguồn tiền đầu tư chung của xã hội. Trên cơ sở đó sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến, chính sách BHHT bổ sung sẽ được triển khai thí điểm từ tháng 1-2014.
(Theo chinhphu.vn)