Xây dựng NTM ở huyện Châu Thành: Khi người dân đồng tình, hưởng ứng
Tính đến cuối tháng 6 - 2013, huyện Châu Thành đã có 4 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), gồm: Tân Hội Đông, Long Hưng, Hữu Đạo, Bình Đức; 7 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí gồm: Vĩnh Kim, Long An, Dưỡng Điềm, Thân Cửu Nghĩa, Thạnh Phú, Bình Trưng, Tân Lý Đông; 11 xã còn lại đều đạt dưới 5 tiêu chí.
Từ nguồn vốn tỉnh đầu tư 31 tỷ đồng cho 4 xã: Tân Hội Đông, Long An, Long Hưng và Hữu Đạo, đến nay các hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường dal liên ấp, liên xã, đê bao, kinh mương thủy lợi từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh.
Đạt được kết quả này là nhờ trong thời gian qua Ban chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với trên 450 cuộc, có 18.500 lượt người tham dự với nội dung triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung và tiến trình xây dựng NTM, đồng tâm, hiệp lực xây dựng theo các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Rau màu - thế mạnh của xã Thân Cửu Nghĩa. |
Tân Hội Đông là xã được tỉnh chọn làm điểm thực hiện xây dựng NTM, đến nay xã cơ bản đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đó là các tiêu chí về: quy hoạch, thủy lợi, trường học, chợ, bưu điện, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa và an ninh trật tự xã hội.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng 16 công trình kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí 27 tỷ đồng, trong đó có việc xây dựng trường mẫu giáo, chợ Cổ Chi mới, đường giao thông nông thôn, cải tạo lại mạng lưới điện phục vụ sản xuất và dân sinh.
Ở Long An, một trong bốn xã được huyện chọn làm điểm thực hiện xây dựng NTM, đến nay đã có nhiều con đường liên ấp, liên xã được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp nên việc vận chuyển nông sản, hàng hóa của nhân dân được thuận tiện và dễ dàng hơn.
Hệ thống kinh mương ở đây cũng được nạo vét, giúp bà con nông dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu vào mùa khô nên không làm giảm sản lượng cây trồng. Nhờ đó, hiện nay ở xã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 9/19 tiêu chí về xây dựng NTM và tiếp tục phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Nhờ phát huy tốt vai trò dân chủ, tranh thủ được ý kiến của nhân dân nên những nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM được Đảng ủy, chính quyền các xã ban hành hàng năm sát với tình hình thực tế của cơ sở. Bên cạnh đó, qua tuyên truyền của các ngành, các cấp, các đoàn thể… cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc xây dựng NTM nên đã không quản ngại việc góp công sức để cùng với chính quyền xã thực hiện các tiêu chí NTM.
Điển hình cho sự đồng lòng, chung sức của nhân dân trong xây dựng NTM là việc nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường dal, lộ liên ấp. Tại xã điểm Tân Hội Đông, từ khi triển khai và phát động chương trình xây dựng NTM đến nay, rất nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để xã mở rộng đường đủ tiêu chuẩn về kích thước theo tiêu chí NTM. Điển hình như 60 hộ nằm cặp đường bờ kinh Xóm Phụng, ấp Tân Xuân đã hiến 1.000 m2 đất và đốn bỏ cây ăn trái để mở rộng mặt đường.
Hay như ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã cũng đứng ra vận động nhiều hộ dân ở ấp Tân Hòa hiến đất để mở rộng con đường hiện hữu từ 0,8 m lên 1,5m mỗi bên với tổng diện tích đất hiến 2.000 m2. Các hộ này còn tham gia góp trên 170 ngày công để tham gia làm con đường.
Ngoài ra còn nhiều hộ gia đình, cá nhân khác cũng đã tham gia hiến đất làm đường, kinh mương thủy lợi, đóng góp nhiều công sức, tiền của để xây dựng NTM của xã. Ở xã Long An, Long Hưng, Tam Hiệp… nhiều hộ dân cũng đã tự nguyện hiến đất, dù phải dỡ bỏ hàng rào, đốn bỏ nhiều cây ăn trái đang cho hoa lợi và nhiều lợi ích khác trên phần đất được hiến với mong muốn đường sá được mở rộng, nhờ đó cảnh quan sạch đẹp, thông thoáng, nhằm đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM.
Cũng cần nhìn nhận rằng, trong giai đoạn đầu thực hiện, nhiều người dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, vận động, giải thích, người dân lại tích cực hưởng ứng. Mỗi hộ gia đình chấp nhận lùi hàng rào, thậm chí tháo dỡ cả những công trình xây trên đất cũ để mở rộng thêm mặt bằng, tạo nên những đoạn đường rộng rãi hơn, chưa kể nhiều gia đình cũng tự nguyện chung tay đóng góp một phần kinh phí không nhỏ.
Bài học được rút ra từ những xã đã đạt được khá nhiều tiêu chí xây dựng NTM là người dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng giao thông nông thôn, nhất là tại các địa bàn dân cư. Khi đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân sẵn sàng góp tiền của, công sức cùng chung tay xây dựng để thay đổi diện mạo quê hương mình.
HỒNG VỊ