Biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện
Trong những năm gần đây, số vụ cháy có nguyên nhân do chạm, chập đường dây điện luôn chiếm tỷ lệ cao. Năm 2012, có đến 65% số vụ cháy do chạm, chập dây dẫn điện; tỷ lệ này là 45% trong 6 tháng đầu năm 2013. Cháy nổ do nguyên nhân về điện hiện nay đã trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác PCCC cũng như của toàn xã hội.
Kiểm tra việc đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện. |
Làm thế nào để giảm thiểu được số vụ cháy từ nguyên nhân chạm, chập điện là suy nghĩ của những cán bộ, chiến sĩ làm công tác PCCC. Nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ làm giảm được số vụ cháy.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường các vụ cháy, nhận thấy đa số các vụ cháy có nguyên nhân liên quan đến điện là do ý thức của người dùng điện, vi phạm an toàn sử dụng điện trong thắp sáng sinh hoạt, mà phổ biến là những nguyên nhân như: Mạng điện trong nhà và nơi công cộng (siêu thị, chợ, khu dân cư, xí nghiệp nhỏ) không được thiết kế và lắp đặt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật điện, phổ biến nhất là do tiết diện dây dẫn nhỏ so với dòng phụ tải, công suất tiêu thụ và định mức ngắt của thiết bị bảo vệ (cầu chì, các thiết bị tự ngắt điện) ngay từ khi lắp hệ thống điện, nhất là trong khu vực nhà ở, khu dân cư.
Các vi phạm thường thấy là việc tùy tiện lựa chọn và lắp đặt dây dẫn điện, mắc dây dẫn điện trên các cấu kiện kim loại, bố trí nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên một nhánh điện mà không tính toán đến công suất tiêu thụ của các thiết bị điện, thay thế dây chảy cầu chì bằng các loại dây đồng, dây kẽm, giấy bạc… làm mất tác dụng của cầu chì hoặc sử dụng CB, MCB lớn hơn nhiều so với dòng điện trong mạch.
Định kỳ không có chế độ bảo dưỡng thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện. Phổ biến nhất là dây dẫn điện cũ, bong tróc lớp nhựa cách điện; thiết bị tiêu thụ điện cũ hoạt động sinh nhiệt lượng lớn vượt qua mức an toàn…
Bên cạnh đó là việc sử dụng quá công suất của mạng điện (quá tải). Tình trạng này thường xảy ra tại vị trí ổ cắm điện, người dùng điện dùng cùng lúc nhiều thiết bị điện có công suất lớn tại một ổ cắm.
Ngoài ra, khi thiết kế mạng điện ban đầu người dùng chỉ thiết kế đảm bảo an toàn tại thời điểm đó, nhưng sau đó điều kiện kinh tế phát triển, người sử dụng điện mua sắm thêm thiết bị tiêu thụ điện mà không quan tâm nâng cấp mạng điện tương ứng với phụ tải. Tình trạng này sẽ dẫn đến quá tải mạng điện, dễ gây ra sự cố cháy nổ. Các mối nối trên đường dây dẫn điện không đảm bảo an toàn về kỹ thuật điện...
Để khắc phục những thiếu sót, vi phạm trên nhằm loại trừ các vụ cháy do sự cố điện, người dùng điện cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Trong thiết kế, lắp đặt hệ thống điện cần: Tính toán công suất tiêu thụ của mạch điện để chọn dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ phù hợp ngay từ ban đầu khi lắp đặt mạng điện. Lắp đặt dây dẫn điện theo đúng các quy định an toàn về kỹ thuật điện, tốt nhất luồn dây dẫn trong ống bảo vệ và đi âm tường; nếu không đi âm tường được thì luồn dây dẫn trong các ống bảo vệ không cháy để khi có chập điện xảy ra nó không tạo nguồn nhiệt gây cháy.
Bố trí các thiết bị điện có khoảng cách phù hợp đến các vật dụng dễ cháy. Không để các vật dụng cháy được bên dưới các thiết bị và đường dây dẫn điện để đề phòng trường hợp thiết bị điện bị chập điện tạo ra các giọt kim loại nóng chảy rơi xuống các vật dụng cháy được bên dưới gây cháy.
Trong sử dụng điện cần: Định kỳ kiểm tra bảo dưỡng, thay thế dây dẫn và thiết bị tiêu thụ điện; chú ý độ bền của lớp vỏ cách điện, độ bền cơ học của các mối nối, độ tiếp xúc của phích cắm và ổ cắm điện, hoạt động của các thiết bị tiêu thụ điện.
Không sử dụng quá công suất đã thiết kế ban đầu; nếu muốn sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo mạng điện sẽ không bị quá tải hoặc phải tăng tiết diện dây dẫn và thay thế thiết bị bảo vệ cho phù hợp.
Sử dụng các thiết bị điện có sinh nhiệt (dụng cụ hàn, cắt kim loại, bàn ủi, bếp điện…) phải đảm bảo khoảng cách phù hợp đến các vật dụng dễ cháy, đặc biệt chú ý không để các chất dễ cháy như xăng, dầu, gas, mút xốp, bông vải... tại nơi sử dụng các thiết bị này.
LÊ QUANG TIẾN