Cai Lậy nỗ lực giảm nghèo bền vững
Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cai Lậy còn 7,91%, là thách thức không nhỏ để đạt mục tiêu xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở các xã được chọn xây dựng nông thôn mới. Xác định Chương trình Giảm nghèo và Giải quyết việc làm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cai Lậy đã xây dựng phương án giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Hàng năm, công tác điều tra, khảo sát hộ nghèo được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chính xác để có biện pháp hỗ trợ kịp thời từng đối tượng. Hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo đã được bảo lãnh vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng, dự án hoặc được mượn vốn từ nguồn vốn nội bộ các đoàn thể và được hướng dẫn phương cách làm ăn để nâng cao thu nhập.
Bà Trần Thị Phượng được Hội LHPN xã Thanh Hòa giúp vốn để cải tạo vườn tạp. |
Chỉ riêng 9 tháng qua, huyện đã giải ngân thêm 209 dự án cho vay giải quyết việc làm với tổng nguồn vốn 2,22 tỷ đồng. Nguồn vốn nội bộ của các đoàn thể cũng đã huy động trên 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ hội viên. Nhiều hộ đã có điều kiện phát triển mô hình kinh tế phù hợp. Bà Trần Thị Phượng ngụ ấp Thanh Hưng, xã Thanh Hòa là một điển hình vươn lên từ vốn vay của Hội LHPN xã.
Cách đây 3 năm, được Hội LHPN xã Thanh Hòa tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Tiền Giang”, bà có điều kiện mua cây giống, phân thuốc và chuyển đổi 2 công đất ruộng kém hiệu quả lên vườn chuyên canh mít Thái siêu sớm. Sau 3 lần hoàn vốn và được tạo điều kiện cho vay lại, bà Phượng đã chuyển đổi toàn bộ đất ruộng sang vườn.
“Trước đây, do không có điều kiện nên tôi không thể chuyển đổi 5 công đất ruộng sang vườn cùng lúc. Nhờ Hội LHPN xã tạo điều kiện về vốn vay, tôi mua thêm cây giống, phân thuốc để chuyển đổi sang mô hình vườn cây ăn trái, đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định…” - bà Phượng tâm sự.
Ngoài trợ vốn, nhiều nông dân nghèo còn được hướng dẫn cách làm ăn qua các khóa, lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, đan hàng thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp. Lãnh đạo huyện khuyến khích các chủ cơ sở mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Hộ nghèo, cận nghèo còn nhận được hỗ trợ về chính sách y tế, giáo dục, nhà ở.
Từ đầu năm đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cai Lậy đã cấp trên 23.600 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” huyện đã tiếp nhận hơn 4,8 tỷ đồng từ sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp và đã hỗ trợ kịp thời cho những hộ gặp khó khăn. Có thêm 33 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Anh Đặng Văn Bắp ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Phú là hộ cận nghèo vừa được hỗ trợ nhà tình thương cho biết, do ít đất sản xuất, vợ thường xuyên đau bệnh, các con còn nhỏ nên kinh tế gia đình anh gặp khó khăn. Bao năm qua, nơi che mưa che nắng của vợ chồng anh Bắp là căn nhà mái lá tạm bợ.
Được chính quyền xã vận động Ủy ban MTTQ Quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh và CLB Truyền thống kháng chiến khối Việt kiều Campuchia hỗ trợ 30 triệu đồng để anh xây dựng nhà tình thương. “Có được căn nhà vững chắc là động lực để gia đình tôi cố gắng lao động, vươn lên thoát nghèo” - anh Bắp tâm sự.
Hiệu quả từ Chương trình Giảm nghèo của huyện Cai Lậy thời gian qua đã tác động tích cực đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn, người dân được thụ hưởng điều kiện sống tốt hơn.
Đến nay, tỷ lệ hộ dân có điện thắp sáng toàn huyện đạt 99,92%; 93,62% hộ dân nông thôn có nước sạch dùng trong sinh hoạt; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân… Huyện đang hướng đến mục tiêu có thêm 1.350 hộ thoát nghèo vào cuối năm nay.
QUẾ NGÂN