Chị Nguyễn Thị Hiếm: Làm giàu không quên người nghèo
Từ cuộc sống gia đình nghèo, chị đã cùng chồng trải qua nhiều nghề khác nhau để vươn lên trở thành hộ khá. Chị là 1 trong 2 phụ nữ làm kinh tế giỏi điển hình của tỉnh được cử dự Hội nghị phụ nữ toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 1-10 vừa qua.
GIAN NAN VƯỢT KHÓ
Sau hơn 30 năm đồng cam cộng khổ làm ăn, vợ chồng anh Lê Thành Tăng và chị Nguyễn Thị Hiếm, chủ đại lý thuốc và thức ăn thủy sản Mười Tăng ở ấp Tân Xuân (Tân Phú, Tân Phú Đông) đạt mức thu nhập bình quân 3 tỷ đồng mỗi năm. Đây là mức thu nhập “khủng” đối với một hộ gia đình ở nông thôn.
Để đạt được mức thu nhập như vậy trong điều kiện giao thông cách trở lại càng khó khăn hơn. Vợ chồng chị Hiếm đã không ngại chia sẻ về những tháng ngày túng quẫn và nỗ lực vượt khó của mình. Hiện vợ chồng anh chị trụ lại với nghề kinh doanh thuốc, thức ăn thủy sản, tôm giống và nuôi chim yến.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiếm (bìa phải) đến chúc mừng vợ chồng anh Hồ Văn Tuấn (giữa) có nhà mới khang trang. |
Anh Tăng vốn là giáo viên bậc tiểu học, còn chị có nghề may. Ngày anh chị cưới nhau, cha mẹ hai bên đều nghèo, dù ở nông thôn nhưng anh chị không có đất sản xuất, chỉ được cha mẹ cho mỗi cái nền nhà. Ngày đó anh Tăng không mua nổi chiếc xe đạp đi dạy, còn chị làm nghề may cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Rồi 3 đứa con chào đời, cuộc sống gia đình anh chị càng khó khăn hơn. Chị đành từ bỏ nghề may, chuyển sang làm dừa sấy, rồi nuôi heo, nuôi dê, nấu rượu, kinh doanh gạo…
Chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn của mình, chị Hiếm cười: “Vợ chồng tôi đã trải qua nhiều nghề. Điều cốt lõi trên con đường làm kinh tế của vợ chồng tôi là luôn siêng năng, nhạy bén nắm bắt cơ hội, luôn giữ chữ tín và thực hành tiết kiệm để có tích lũy. Vợ chồng tôi đã mạnh dạn chuyển sang kinh doanh thuốc và thức ăn thủy sản vào năm 2003 - thời điểm nghề nuôi tôm sú bắt đầu ở đất cù lao.
Nhờ tích lũy được vốn, quy mô kinh doanh của chúng tôi ngày một mở rộng theo nhu cầu của thị trường. Đến năm 2007, tôi mạnh dạn mua thêm 2 ha đất làm đầm nuôi tôm thịt và mở trại cung cấp tôm giống cho bà con trong vùng. Hiện tại, khách hàng của chúng tôi không dừng lại ở huyện Tân Phú Đông, mà mở rộng ra các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre. Với tính ham học hỏi, năm 2010 tôi mạnh dạn đầu tư nuôi chim yến.
Hiện tại, thu nhập từ kinh doanh và nuôi thủy sản của gia đình tôi khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi năm; thu nhập từ nuôi chim yến khoảng 500 triệu đồng. May mắn kinh doanh thành công, nhưng điều làm vợ chồng tôi hài lòng nhất chính là 3 đứa con đều ngoan và học hành đỗ đạt”.
KHÔNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
Cuộc trò chuyện với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì có nhiều khách hàng đến giao dịch. Điều lạ là khách đến mua hàng chỉ nhận hàng và ký sổ. Hỏi ra mới biết, hiện có khoảng 100 khách hàng là hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện được vợ chồng chị Hiếm bán thức ăn, thuốc, tôm giống trả tiền sau khi thu hoạch và không tính lãi.
Chị Trần Thị Kim Ba, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Tân Xuân cho biết: “Chị Hiếm rất quan tâm tới người nghèo nên được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Hàng năm, chị phối hợp với Hội LHPN xã tặng quà tết cho trên 200 người nghèo và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Đặc biệt, chị đã giúp vốn, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo trong ấp vươn lên làm giàu. Xã phát động chương trình phúc lợi công cộng là chị nhiệt tình đóng góp…”.
Hộ vợ chồng anh Hồ Văn Tuấn và chị Ngô Thị Kim Thoa khá lên nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng chị Hiếm. Anh Tuấn cho biết: “Vợ chồng tôi không có đất canh tác. Trước đây làm mướn nuôi 2 đứa con, nhà sập không có tiền dựng lại. Thấy hoàn cảnh vợ chồng tôi khổ quá, dù không có họ hàng gì nhưng cô Hiếm với chú Tăng giúp tiền, cho mượn ao, cung cấp tôm giống, thức ăn, thuốc cho vợ chồng tôi nuôi tôm.
Sau mấy vụ trúng mùa, trúng giá, vợ chồng tôi mới có tiền trả cho cô Hiếm và còn dư để xây nhà, mở tiệm tạp hóa. Mặc dù cô chú không tính chuyện trả ơn nhưng vợ chồng tôi luôn biết ơn, xem cô chú như cha mẹ thứ 2 của mình!”.
Chị Hiếm chia sẻ: “Ông bà mình dạy của cho không bằng cách cho. Với vợ chồng tôi, việc giúp đỡ người nghèo không phải là bố thí mà là chia sẻ. Chúng tôi không quên thuở nghèo khó để thương người còn gặp khó!”.
THỦY HÀ