Thứ Hai, 21/10/2013, 11:08 (GMT+7)
.

Đẹp thay những tấm lòng từ thiện

Họ là những người dân bình thường, có người đã bước qua tuổi lục tuần, lẽ ra họ phải dành thời gian còn lại lúc xế chiều để vui vẻ, quây quần bên gia đình, con cháu. Trái lại, họ rất tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện, bởi họ có chung tâm nguyện là muốn được cùng chung tay, góp sức với Nhà nước, cộng đồng xã hội đùm bọc, cưu mang những hoàn cảnh neo đơn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đó là hoạt động của nhóm thiện nguyện do dì Lê Thị Ngọc Mai (cùng 3 thành viên khác gồm: Nguyễn Thị Lan, Trần Thị Rập, Nguyễn Thị Nhà) tiểu thương chợ Tân Hiệp làm Trưởng nhóm. Mặc dù đã bước qua tuổi lục tuần nhưng các thành viên của nhóm đều rất tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện. Dì Mai cho biết, nhóm của dì hoạt động từ năm 2010.

Xuất phát từ tấm lòng yêu thương những người nghèo khó, trong 3 năm qua dì đã đứng ra vận động nhiều tiểu thương, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện chung tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh.

Trong đó, nhóm của dì đã nhận nuôi dưỡng những cụ già neo đơn như: cụ bà Ngô Thị Nuôi, 94 tuổi (xã Thân Cửu Nghĩa), cụ bà Phan Thị Hai, 96 tuổi (thị trấn Tân Hiệp)… từ ăn uống đến hỗ trợ sinh hoạt cá nhân (2 cụ vừa qua đời); vận động Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương cho chị Nguyễn Thị Hiền, 53 tuổi (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước).

Chú Sương (thứ hai từ trái qua) cùng các thành viên và nữ nghệ sĩ Lệ Thủy bàn giao nhà tình thương tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho.
Chú Sương (thứ hai từ trái qua) cùng các thành viên và nữ nghệ sĩ Lệ Thủy bàn giao nhà tình thương tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho (ảnh trái) và dì Lê Thị Ngọc Mai (trái) bên cạnh căn nhà tình thương do dì vận động xây cho chị Nguyễn Thị Đẹp ở xã Tân Lý Đông.

Đây cũng là căn nhà tình thương thứ sáu do dì đứng ra vận động; trong đó có sự hỗ trợ tích cực của anh Thy (xã Tân Hương) và nhóm bạn của anh hoạt động trong nghề kim hoàn. Ngoài ra, nhóm của dì còn hỗ trợ các hộ nghèo về gạo, thực phẩm, quần áo cũ, xe lăn; có trường hợp hộ quá nghèo, dì còn đứng ra tổ chức việc an táng cho họ.

Mặc dù rất bận rộn với việc kinh doanh ở chợ, nhưng mỗi khi nhận được tin báo có trường hợp cần giúp đỡ gấp, dì lại tức tốc cùng với thành viên của nhóm đến nơi để kịp thời giúp đỡ hoặc phân công thành viên hỗ trợ, chăm sóc (đối với người già neo đơn, bệnh nan y không đi lại được).

Tiếp chúng tôi tại “Bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân tâm thần”, chú Lê Thành Sương (ấp Trung A, xã Nhị Bình) rất vui  khi giới thiệu về một số hình ảnh hoạt động từ thiện - xã hội của “Nhóm Tình thương Nhị Bình” gồm 15 thành viên, do chú làm Nhóm trưởng, hoạt động từ năm 2004 đến nay.

Bếp ăn từ thiện của nhóm còn có tên gọi khác là “Bếp ăn tối thứ ba không ngủ”, do vào ngày thứ ba hàng tuần cả nhóm phải tất bật với công việc nấu cháo và tổ chức cấp phát cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh vào sáng sớm (khoảng 6 giờ) nên ai cũng làm việc khẩn trương, sợ phát cháo trễ giờ, bệnh nhân phải chờ, các thành viên gần như quên ngủ.

Có người mặc dù tuổi đã cao như bác Hai Cang, bác Bảy Mẫn… nhà ở tận xã Bàn Long vẫn đều đặn đạp xe trên 10 cây số vào thứ ba hàng tuần để đến với nhóm (các thành viên có mặt đông đủ tại bếp ăn từ lúc 1 giờ sáng).

Bên cạnh đó, thông qua sự giúp đỡ của chùa Khả Diệu Đàn (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) nhóm của chú còn mở Trại hòm từ thiện tại ấp Hòa (đối diện ngã ba Đông Hòa) để hỗ trợ hòm, thậm chí còn đứng ra tổ chức an táng miễn phí hoàn toàn cho những trường hợp gia cảnh quá nghèo khó.

Với sự tài trợ của các nhà hảo tâm xa gần, các nghệ sĩ ở TP. Hồ Chí Minh như: bà Tân Kim Hoa (chủ một danh trà nổi tiếng ở tỉnh Lâm Đồng) và các nghệ sĩ: Lệ Thủy, Hồng Tơ, Mỹ Chi… thời gian qua, nhóm của chú Sương còn hỗ trợ các địa phương trong tỉnh xây dựng 40 cây cầu, trên 30 căn nhà tình thương (cho các hộ thuộc diện nghèo, neo đơn, khuyết tật, bị tai nạn lao động…), thu gom xe lăn cũ ở các nơi về sửa chữa, kết hợp tiếp nhận nguồn xe lăn từ các nhà tài trợ để cấp phát cho người khuyết tật. 

Khi được hỏi động lực nào giúp chú đứng ra tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện của “Nhóm Tình thương Nhị Bình”, chú Sương bày tỏ suy nghĩ của mình: “Mong muốn được lấy niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác làm niềm vui, niềm hạnh phúc cho chính bản thân mình cũng như được chia sẻ bớt nỗi đau, nỗi mất mát của người khác là ước nguyện của bản thân nên tôi quyết tâm ra sức thực hiện”.

VĂN XĨ - HỒNG YẾN

.
.
.