Thứ Sáu, 18/10/2013, 07:51 (GMT+7)
.

Hội LHPN H.Tân Phú Đông:Nâng cao vai trò phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế

Hội LHPN huyện Tân Phú Đông là tập thể điển hình của tỉnh được chọn báo cáo tại Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2002 - 2013 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Huyện Tân Phú Đông là huyện đặc biệt khó khăn, với hơn 5.700 hộ nghèo. 31% trong số đó là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hội LHPN huyện đã tăng cường các giải pháp thiết thực, tích cực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh vượt khó nhờ mô hình nuôi thỏ do Hội LHPN giúp vốn.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh vượt khó nhờ mô hình nuôi thỏ do Hội LHPN giúp vốn.

Hiện tại, Hội LHPN huyện đang khai thác trên 36 tỷ đồng vốn từ nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn này, Hội thành lập và duy trì hoạt động 58 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh như: đan ghế dây nhựa, may công nghiệp, xe nhang, kết cườm, bó chổi… Các tổ này tạo việc làm ổn định cho trên 1.400 phụ nữ với thu nhập từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng.

Song song đó, Hội còn nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện của chị em như: Nuôi heo sinh sản kết hợp với nuôi vịt đẻ; nuôi dê, nuôi bò sinh sản… Nhờ áp dụng mô hình làm ăn hiệu quả, hàng ngàn hội viên đã giảm khó, thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Điển hình như gia đình bà Nguyễn Ngọc Ánh (ngụ ấp Tân Thành 2, xã Tân Thạnh) đã vượt qua khó khăn từ mô hình chăn nuôi thỏ. Bà Ánh cho biết: “Vợ chồng tôi đều ngoài 70 tuổi, đâu còn làm nổi những công việc nặng nhọc. Xét thấy gia đình tôi khó khăn, Hội LHPN xã cho mượn 3 triệu đồng vốn để nuôi thỏ. Vợ chồng tôi đóng chuồng và bắt 10 con thỏ nái về nuôi. Công việc nuôi thỏ nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của người già. Mỗi sáng, vợ chồng tôi đi cắt 2 bao cỏ về cho thỏ ăn và quan tâm chăm sóc chúng.

Sau 3 năm, vợ chồng tôi đã trả hết vốn mượn của Hội. Hiện trong chuồng có 24 con thỏ nái, 3 thỏ đực giống và hơn 100 con thỏ con. Mỗi tháng vợ chồng tôi cho xuất chuồng khoảng 50 cặp thỏ giống với giá 50.000 đồng/cặp, trừ đi chi phí thức ăn cho thỏ con còn lãi 2 triệu đồng”.

Ngoài nguồn vốn ủy thác, Hội còn huy động nguồn vốn trong nội bộ hội viên thông qua các mô hình phụ nữ giúp nhau, góp vốn xoay vòng, tín dụng tiết kiệm, giúp cây và con giống… Hiện toàn huyện có 41 tổ phụ nữ giúp nhau với 516 tổ viên. Hàng tháng, trong các buổi sinh hoạt, các chị đóng góp quỹ từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, đem giúp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chị Lưu Thị Kim Hương (ngụ ấp Tân Xuân, xã Tân Phú) với 2 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ này, cộng thêm bàn, ghế, tủ kính và mặt bằng được chị em phụ nữ trong ấp cho mượn, chị Hương mở quán trà sữa bán cho học sinh, thu nhập bình quân khoảng 50.000 đồng/ngày, có thời gian chăm sóc, dạy dỗ  con… 

Bà Lê Thị Sai, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Hội LHPN huyện Tân Phú Đông là một điển hình của tỉnh về hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Từ hiệu quả phát triển kinh tế, tăng thu nhập, chị em phụ nữ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong gia đình, tự tin hơn trong các mối quan hệ ngoài xã hội. Điều đó có nghĩa là vị thế, vai trò của phụ nữ được nâng lên, tiến tới bình đẳng về giới”.

HẠNH NGA

.
.
.