Thứ Ba, 29/10/2013, 10:09 (GMT+7)
.

Khẩn trương triển khai chương trình ứng phó biến đổi khí hậu

Những hiện tượng thời tiết bất thường, biểu hiện rõ nét của sự thay đổi khí hậu cùng với những tác động chủ quan của con người đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong bài toán phát triển cũng như với chương trình ứng phó thích hợp của các cấp, ngành nước ta với sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong thời gian tới.

Yêu cầu trên được đặt ra một cách cấp bách tại Hội nghị lần thứ 3 Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế (như WB, UNDP) và các quốc gia có nguồn vốn hỗ trợ phát triển các dự án đối với Việt Nam, diễn ra sáng 28-10 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị. Ảnh Nguyên Linh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị. Ảnh Nguyên Linh

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách trong chương trình ứng phó với BĐKH đối với nước ta, một trong những quốc gia được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra trên toàn thế giới.

Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Khóa XI vừa qua cũng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đang khẩn trương chỉ đạo, triển khai Chương trình hành động, tiếp tục ưu tiên nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thực hiện các dự án ứng phó, thích ứng với tình trạng BĐKH đang ngày càng rõ nét, tác động cực đoan tới mọi vùng, mọi lĩnh vực của đời sống đất nước thời gian qua.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những hiện tượng thời tiết bất thường (mưa lớn, lũ lụt nặng nề, bão tố...) là biểu hiện rõ nét của sự thay đổi khí hậu, cùng với những tác động chủ quan của con người.

Bên cạnh đó, một thực trạng đang diễn ra, như: TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận đang ngày càng ngập nặng, ĐBSCL chưa có hồ chứa để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt 40% lượng nước sông Mekong, trong khi miền Trung, miền Bắc, hàng trăm hồ chứa, hàng ngàn điểm dân cư đứng trước thử thách lớn về khả năng an toàn, điều tiết trong mưa lũ…

Điều đó đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong bài toán phát triển cũng như với chương trình ứng phó thích hợp của các cấp, ngành nước ta với sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về BĐKH, đến nay chủ trương, định hướng ứng phó với BĐKH và các kế hoạch triển khai các dự án trong lĩnh vực đã được xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế hiện vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu. BĐKH liên quan và tác động tới hầu như tất cả các ngành, các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đòi hỏi một nguồn đầu tư vốn khổng lồ và không dễ dàng có giải pháp ngay lập tức.

Chương trình SP-RCC năm 2013 được phê duyệt phân bổ vốn khoảng 350 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 14% tổng nhu cầu của 11 dự án cấp bách nhất hiện nay, chủ yếu trong việc phòng chống lũ, nước biển dâng vùng ĐBSCL, một số điểm xung yếu khu vực ven biển, vùng hạ lưu miền Trung, miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, số vốn ít ỏi này cũng mới được các địa phương giải ngân khoảng 21%, chủ yếu cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình. Nhiều ý kiến lo ngại với tiến độ như vậy, có thể mất 7, 8 năm mới hoàn thành các dự án đặc biệt cấp bách này. Còn nếu tính cả hơn 60 dự án thuộc Chương trình SP-RCC thì thời gian này có thể kéo dài hàng chục năm.

Về các dự án hợp tác trong ứng phó BĐKH tại Việt Nam, các nhà tài trợ cho biết, đến nay, Chương trình SP-RCC đã có hàng loạt dự án hợp tác (với WB, CIDA, AuSAID, K.Eximbank…) với tổng số kinh phí gần 600 triệu USD. Năm 2013, Chương trình dự kiến nhận được thêm khoảng 300 triệu USD từ các tổ chức WB, AFD, JICA…

Trao đổi các giải pháp nhằm giải ngân tốt hơn cho các dự án, các nhà tài trợ cho rằng nên tập trung vào việc phối hợp trong các cơ quan hữu quan cũng như việc lồng ghép các hoạt động, dự án thuộc nhiều chương trình có tính chất, mục tiêu tương tự nhau.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao các ý kiến đã nêu những vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy tốt hơn các chương trình ứng phó BĐKH. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần thay đổi mạnh mẽ cách quản lý, triển khai các dự án hiện nay.

Theo đó, cần thường xuyên rà soát và phải phân định rõ dự án nào là ưu tiên, cấp bách, dự án nào dài hạn, ngắn hạn, không để tình trạng tràn lan danh mục, cuối cùng dàn đều không dự án nào thực hiện được.

Trong khi nguồn lực ngân sách không đủ (hiện nguồn vốn này chỉ đảm bảo yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng xây dựng ở một số công trình, hạng mục xung yếu), vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú ý tính toán tới việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, lồng ghép các dự án thuộc các ngành, chương trình khác nhau, tạo thuận lợi tối đa để các dự án tài trợ đi vào triển khai, phát huy hiệu quả.

Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về BĐKH xây dựng quy chế về báo cáo đánh giá, số dự án cần rà soát và tổ chức để các nhà tài trợ tham quan, đánh giá các dự án đã và đang triển khai, tháo gỡ, thúc đẩy các dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn ngành Tài nguyên - Môi trường tập trung nghiên cứu khoa học, cập nhật liên tục các nghiên cứu, kịch bản về BĐKH hiện nay, từ đó có cơ sở rà soát lại các quy hoạch phát triển cho phù hợp với các kịch bản khí hậu.

Phó Thủ tướng cũng giao Ủy ban Quốc gia về BĐKH khẩn trương xây dựng các kế hoạch hành động để triển khai, điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết 24 NQ-TW cũng như Nghị quyết của Quốc hội sắp tới sẽ ban hành về vấn đề BĐKH.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.